“Dài cổ” ngóng ngân hàng niêm yết cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Niêm yết cổ phiếu là một trong những giải pháp quan trọng để minh bạch hóa và thúc đẩy thị trường ngân hàng tiến gần tới các chuẩn mực của thị trường phát triển. Tuy nhiên, việc này tiếp tục bị trì hoãn kể cả khi có yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều ngân hàng thông báo hoãn kế hoạch đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Ảnh: Minh Dũng
Nhiều ngân hàng thông báo hoãn kế hoạch đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Ảnh: Minh Dũng

Tại Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) ngày 12/6, ABBank cho biết, tạm dừng lộ trình lưu ký và niêm yết cổ phiếu để hoàn thành thủ tục pháp lý về trụ sở mới, đảm bảo đồng bộ thông tin, tránh việc phải sửa đổi, hoàn thiện hồ sơ có thể làm kéo dài thủ tục lưu ký, niêm yết.

Trước đó, một số ngân hàng cũng thông báo hoãn kế hoạch đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) dự kiến niêm yết trên sàn chứng khoán sau năm 2022, với lý do chuẩn bị năng lực tài chính tốt hơn. Hoặc Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) đã trình cổ đông thông qua việc rút lại hồ sơ niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông hồi tháng 5.

Trong khi đó, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán là một trong những nhiệm vụ quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu để minh bạch hóa hoạt động của ngành ngân hàng.

Cụ thể, tại Quyết định 242/QĐ-TTg ngày 28/2/2019 về phê duyệt Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, Thủ tướng yêu cầu thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng TMCP theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức.

Bình luận về việc này, TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - cho rằng, niêm yết là điều cần phải thực hiện để minh bạch hóa thị trường và tăng khả năng huy động vốn.

Tại Quyết định 242/QĐ-TTg ngày 28/2/2019 về phê duyệt Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, Thủ tướng yêu cầu thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng TMCP theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức.
Tuy nhiên, tình hình tài chính của nhiều nhà băng năm nay sẽ không tốt như những năm trước, tăng trưởng tín dụng giảm, rủi ro nợ xấu gia tăng. Mặt khác, thị trường chứng khoán năm nay cũng chứa đựng nhiều yếu tố không thuận lợi, dù cổ phiếu ngân hàng có một số phiên bứt phá gần đây nhưng chưa hình thành xu thế rõ rệt.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, việc niêm yết còn đòi hỏi phải đảm bảo quyền lợi của các bên, đặc biệt là của các cổ đông. “Khi quyền lợi của nhiều nhà đầu tư, các đối tác đầu tư chưa được đảm bảo thì việc niêm yết sẽ không thuận lợi. Năm ngoái, hoạt động của các ngân hàng khá tốt nhưng họ đã lỡ nhịp. Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng đưa ra dự báo giảm doanh thu và lợi nhuận nên việc niêm yết phải hoãn là điều dễ hiểu”, ông Lực nói.

Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, chuyện hứa rồi hoãn niêm yết của các ngân hàng đã diễn ra nhiều năm nay, do đó, đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước nên có mệnh lệnh hành chính buộc các ngân hàng phải thực hiện.

Ông Hiếu cho rằng, nhiều ngân hàng muốn hoãn niêm yết cổ phiếu bởi ngại những mảng xám trong hoạt động kinh doanh sẽ lộ rõ. Nếu các chỉ báo tài chính không tốt được công khai, khả năng thu hút vốn sẽ giảm bởi giới đầu tư và người gửi tiền có thể chuyển hướng sang ngân hàng khác. Tuy nhiên, hơn lúc nào hết, giờ là thời điểm ngành ngân hàng cần sự minh bạch và đặc biệt khi các yêu cầu về chuẩn mực an toàn vốn được áp dụng. Mặt khác, đây cũng là lúc các nhà băng phải niêm yết để không chỉ các nhà đầu tư mà cả thị trường đều có thể giám sát hoạt động của họ.

Chuyên đề