Cuộc “bẻ lái” âm thầm và nền tảng tích lũy ở MSB

(BĐT) - Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 4 vừa rồi, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) đã chính thức thông qua kế hoạch “lên sàn”. Phía ngân hàng cho biết, đã trình hồ sơ và đang tiến hành các thủ tục cần thiết khác để niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Thời điểm chào sàn dự kiến là vào quý III/2019.
Mong muốn và mục tiêu của MSB là trở thành ngân hàng thấu hiểu khách hàng nhất
Mong muốn và mục tiêu của MSB là trở thành ngân hàng thấu hiểu khách hàng nhất

Năm 2018, MSB ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục trong lịch sử hoạt động, gia nhập câu lạc bộ nghìn tỷ - với mức lãi trước thuế đạt 1.045 tỷ đồng, gấp 6,3 lần năm 2017  và gấp 5,6 lần kế hoạch năm 2018.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất sau soát xét, tính đến 31/12/2018, quy mô tiền gửi của khách hàng ở MSB đạt 63.504 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm; quy mô cho vay khách hàng đạt 48.717 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu năm. Tương ứng, tỷ lệ cho vay/huy động của MSB tại cuối năm 2018 đạt 76%. Dù đã được cải thiện so với các năm trước nhưng tỷ lệ này vẫn khá thấp so với mặt bằng chung của thị trường.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Bửu Quang - Tổng giám đốc MSB cho biết: “Đúng là lợi nhuận của MSB còn thấp so với tiềm năng. Nếu chịu “đánh quả” thì kết quả lợi nhuận của MSB đã khác. Nhưng chúng tôi muốn đi dài và tạo dựng một nền tảng vững chắc, thay vì mạo hiểm để làm đẹp kết quả kinh doanh bằng mọi giá. MSB quyết liệt “xoay trục” và đã kiên trì với triết lý này đã 4 năm nay”.

Trong 4 năm, MSB đã tiến hành công cuộc chuyển đổi một cách âm thầm, kiên trì, quyết liệt và cẩn trọng với 4 mũi trọng tâm: (1) Tập trung phát triển khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa và khách hàng cá nhân (trước đó chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu khách hàng và cấu trúc cho vay); (2) Tập trung xử lý nợ xấu; (3) Tập trung đầu tư nền tảng công nghệ; (4) Tập trung xây dựng chất lượng dịch vụ, chú trọng quan tâm đến trải nghiệm khách hàng.

Theo đó, chỉ sau 3 năm chuyển đổi, MSB đã được thụ hưởng những thành quả, mà mức lãi kỷ lục trong 2018 chỉ là một biểu hiện.

Theo thống kê, MSB hiện là một trong 3 ngân hàng có số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tốt nhất trong nhóm ngân hàng TMCP và là một trong những ngân hàng sở hữu khả năng thanh khoản dồi dào nhất hệ thống.

Năm 2019, khi Ngân hàng Nhà nước đưa vào áp dụng Thông tư 16, điều chỉnh tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn từ 45% xuống 40% làm nhiều nhà băng phải đau đầu vì đã trót đẩy tín dụng để tăng trưởng “nóng”, thì MSB vẫn rất tự tin. Bởi tỷ lệ này ở MSB mới đạt chưa đến 25%. Hay nói cách khác, dư địa tăng trưởng của MSB vẫn còn rất rộng.

Tổng giám đốc MSB tỏ ra đặc biệt tự tin về năng lực quản trị rủi ro của ngân hàng mình. Theo đó, khi được hỏi về lợi thế so sánh lớn nhất của MSB với các thành viên khác trong hệ thống, ông Quang còn khẳng định như một slogan: “Ngân hàng thấu hiểu khách hàng nhất!”.

MSB sẽ chào bán khoảng 20% vốn cho các nhà đầu tư quốc tế, bao gồm cả 10% vốn dưới dạng cổ phiếu quỹ - tức là toàn bộ số cổ phiếu quỹ mà Ngân hàng đang có. Các nhà đầu tư được hướng đến là các quỹ có uy tín, có tiềm lực và muốn đi dài. Đáng lưu ý, MSB chỉ chào nhà đầu tư lớn, chứ chưa có nhu cầu tìm nhà đầu tư chiến lược.

Tổng giám đốc Huỳnh Bửu Quang nhấn mạnh: “MSB đã trải qua 4 năm chuyển đổi. Với các nền tảng đã tích lũy, đây là lúc phù hợp để Ngân hàng bước sang một chặng đường phát triển mới, minh bạch, chuyên nghiệp và hiện đại. Để thực hiện mục tiêu ấy, chúng tôi thực sự muốn lên sàn”. Nhà điều hành kỳ cựu này cũng xác nhận MSB đã hoàn tất quá trình “chuyển đổi” và không giấu diếm về chu kỳ “thăng hoa” mà ngân hàng này đang bắt đầu.

Chuyên đề