Củng cố tài khóa để giảm áp lực nợ công

(BĐT) - Năm 2016, thâm hụt tài khoá dự kiến sẽ vẫn ở mức cao, khoảng 6% GDP và làm cho nợ công tiến nhanh tới mức trần 65% GDP. Chậm trễ thực hiện củng cố tài khoá sẽ đe dọa mức bền vững nợ công, ổn định tài khóa và tăng trưởng trong tương lai.
Nhu cầu đầu tư hạ tầng tiếp tục gây áp lực lên ngân sách. Ảnh: Trần Sơn
Nhu cầu đầu tư hạ tầng tiếp tục gây áp lực lên ngân sách. Ảnh: Trần Sơn

Đây là cảnh báo của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Báo cáo Điểm lại Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam vừa được công bố.

Tình hình tài khóa tiếp tục căng thẳng

Điểm lại tình hình tài khóa năm 2015, Báo cáo chỉ ra, mặc dù thu ngân sách có cải thiện nhưng do chi ngân sách vẫn tăng nhanh nên thâm hụt tài khoá tiếp tục gia tăng trong năm 2015. Tổng thâm hụt tài khoá, gồm cả các khoản ngoài ngân sách, ước khoảng 6,5% GDP trong năm 2015, so với mức 6,2% năm 2014. Ước tính sơ bộ cho thấy, tổng thu ngân sách năm 2015 đạt khoảng 23,8% GDP, tăng khoảng 2 điểm phần trăm so với 2014, nhưng tổng chi ngân sách lại tăng lên mức 30,3% GDP.

Ngoài ra, xu thế tăng thu gần đây mang tính không bền vững. WB chỉ ra, số thu ngân sách năm 2015 vượt kế hoạch nhưng chủ yếu nhờ tăng thu các khoản ngoài thuế. Ví dụ, thu từ bán tài sản nhà nước và thu phí quyền sử dụng đất vượt kế hoạch 75% và đạt 69 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 1/3 tổng thu ngoài thuế. Đây là các khoản thu không thường xuyên. Trong khi đó, chi ngân sách tiếp tục gia tăng chủ yếu do tăng đầu tư phát triển. Tổng chi ngân sách tăng 18,3% so với năm 2014, và vượt 10,3% kế hoạch. Chi thường xuyên vượt 7,9% kế hoạch, chi đầu tư phát triển vượt 21,6% kế hoạch năm 2015 do đang thực hiện nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn. Chi trả nợ cũng tăng trong năm 2015, chiếm gần 15% tổng thu ngân sách.

Ông Achim Fock, Quyền Giám đốc WB tại Việt Nam đánh giá, mất cân đối tài khoá dồn tích từ nhiều năm đã trở thành vấn đề đáng quan ngại. Dẫn số thâm hụt ngân sách 5 tháng đầu năm 2016 đã 70 nghìn tỷ đồng, WB nhận định, tình hình tài khoá đầu năm 2016 của Việt Nam vẫn tiếp tục căng thẳng. Kết quả thu chi ngân sách đầu năm 2016 cho thấy áp lực ngân sách sẽ còn tiếp tục kéo dài.

Cần một kế hoạch củng cố tài khóa tốt

WB dự báo, năm nay tốc độ tăng trưởng của Việt Nam ước tính sẽ đạt khoảng 6%. Triển vọng kinh tế trung hạn sẽ được cải thiện nhờ TPP và các hiệp định thương mại tự do khác. Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các thị trường tiêu dùng lớn đồng thời tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Lạm phát dự kiến sẽ cao hơn năm ngoái trong bối cảnh cầu trong nước mạnh hơn, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng của thời tiết và Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giá nhiều dịch vụ công (y tế, giáo dục). Cán cân vãng lai dự kiến sẽ thặng dư ở mức tối thiểu do nhập khẩu sẽ cải thiện trong các tháng còn lại của năm trong khi tăng trưởng xuất khẩu còn yếu do cầu bên ngoài yếu kém.
Theo Báo cáo của WB, ngay cả khi gánh nặng nợ nước ngoài vẫn chưa tới mức báo động (do Việt Nam chủ yếu vay từ các nguồn ưu đãi nước ngoài), tổng nợ công vẫn tăng nhanh do tình trạng thâm hụt tài khoá lớn, dai dẳng và phần lớn được bù đắp từ nguồn vay nợ trong nước.

Ngoài ra, nhu cầu chi trung hạn, bao gồm chi trả nợ ngắn hạn trong nước, cũng lớn, đồng thời chi trả lãi cũng bắt đầu tăng. Trong lúc đó, nguồn vốn ưu đãi bên ngoài sẽ giảm do Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình và phải huy động nguồn vốn trên thị trường tài chính quốc tế. Trong bối cảnh này, cần phải có một kế hoạch củng cố tài khoá tốt nhằm hợp lý hóa, giảm nhu cầu vào vốn ngân sách, đồng thời tiết kiệm chi phí đi vay thương mại bằng cách tăng cường niềm tin cho nhà đầu tư và cải thiện độ tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường vốn.

WB khẳng định, điều chỉnh thâm hụt tài khóa và chi tiêu ngân sách là các giải pháp cần thiết để ổn định nợ công của Việt Nam. Tuy vậy, ông Achim Fock khuyến cáo, quyết tâm của Chính phủ về tăng cường kỷ cương ngân sách phải cân đối với các biện pháp cải cách tạo khoảng đệm tài khoá nhằm bảo đảm các khoản đầu tư hạ tầng quan trọng và chi dịch vụ công. Cần nâng cao chất lượng các biện pháp điều chỉnh tài khóa, kể cả cân đối thu - chi và tăng cường tiết kiệm chi thay vì cắt giảm các khoản chi và đầu tư tùy tiện một cách chung chung.

Chuyên đề