Có tài sản bảo đảm vẫn khó thu hồi vốn

(BĐT) - Đối với hoạt động tín dụng, tài sản bảo đảm (TSBĐ) được xem như “phao cứu sinh” nhằm giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng, bảo đảm ngân hàng có thể thu hồi một phần hoặc toàn bộ gốc và lãi khi khách hàng không trả được nợ. 
Nhiều trường hợp, giá thị trường của tài sản bảo đảm thấp hơn so với giá khởi điểm khi đấu giá. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều trường hợp, giá thị trường của tài sản bảo đảm thấp hơn so với giá khởi điểm khi đấu giá. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc xử lý TSBĐ để thu hồi nợ trong nhiều trường hợp không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái.

Định giá thế nào để thu nợ

Trong thực tế, khi phát sinh nợ xấu, phần lớn khách hàng vay khó khăn về tài chính, thậm chí ngừng hoạt động, giải thể, phá sản nên việc xử lý TSBĐ có tính quyết định trong việc thu hồi để giảm tỷ lệ nợ xấu cho mỗi tổ chức tín dụng (TCTD) nói riêng, nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, qua thực tế xử lý TSBĐ, TCTD - bên nhận bảo đảm lại gặp phải một số khó khăn, hạn chế nhất định. Một trong những khó khăn đó là việc thực hiện quyền định giá khi xử lý tài sản của TCTD. Bởi việc định giá, giá bán khi xử lý tài sản có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả xử lý tài sản và ảnh hưởng đến lợi ích của các bên.

Mong muốn của các TCTD là xử lý TSBĐ nhanh với số tiền thu về cao nhất. Song, khi thực hiện xử lý tài sản, có 2 vấn đề luôn khiến TCTD đau đầu. Đó là, nếu định giá bán (giá khởi điểm khi đấu giá) quá cao để thu hồi được gốc và lãi thì rất dễ dẫn đến việc kéo dài thời gian bán tài sản; ngược lại, nếu định giá bán quá thấp thì sẽ gây thiệt hại cho TCTD.

Mới đây, Công ty CP Bán đấu giá Lam Sơn vừa thông báo sẽ tổ chức bán đấu giá lô tài sản gồm quyền sử dụng đất và tài sản trên đất là tài sản bảo đảm nợ vay của Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Bình Tân (TP.HCM). Với giá khởi điểm của lô tài sản lên tới gần 664,7 tỷ đồng (gấp gần 2 lần giá trị nợ gốc), việc thanh lý tài sản này để thu hồi gốc và lãi cho ngân hàng này được một số chuyên gia cho là khó thực hiện. 

Giá trị lớn, còn vướng mắc pháp lý

Theo thông tin từ đơn vị có tài sản (Agribank Bình Tân), ngày 8/9/2017, sẽ tổ chức bán đấu giá lô tài sản nêu trên, với giá khởi điểm được Agribank Bình Tân và chủ tài sản cùng thỏa thuận xử lý TSBĐ để trả nợ là gần 664,7 tỷ đồng.

Một cán bộ của Agribank Bình Tân cho biết, phần nợ gốc được chủ tài sản trên vay lác đác đến hết tháng 4/2011 với tổng giá trị vay khoảng 352 tỷ đồng. Tính cả nợ gốc và lãi, thời điểm này Agribank Bình Tân và chủ tài sản xác định giá trị lên tới 664,7 tỷ đồng.

Trên diện tích đất thuộc lô tài sản trên có Dự án Đầu tư xây dựng khu Chung cư cao ốc căn hộ Hạnh Phúc bị bỏ dở từ năm 2011 do chủ đầu tư không còn đủ vốn và năng lực thực hiện. Thời điểm đó, chủ đầu tư Dự án cũng đã huy động nguồn vốn từ khách hàng mua căn hộ hình thành trong tương lai. Bàn về tính pháp lý của khoản tiền này trong quá trình thực hiện bán đấu giá tài sản, Agribank Bình Tân cho biết, phía ngân hàng làm việc với chủ đầu tư và khách hàng mua căn hộ để các bên thống nhất thỏa thuận bán đấu giá tài sản không bao gồm khoản tiền của chủ đầu tư huy động từ khách hàng mua căn hộ. Vấn đề này sẽ được xử lý theo hướng chủ đầu tư tự giải quyết với khách hàng mua căn hộ để tránh phát sinh tranh chấp pháp lý cho bên nhận chuyển nhượng Dự án.

Khách hàng và ngân hàng cùng ký thỏa thuận đưa ra tài sản bán đấu giá trong thời hạn là 1 tháng, không bán được giá đó thì các bên ngồi lại cùng thỏa thuận bán tài sản với giá giảm xuống thấp hơn.

Phía Agribank Bình Tân cho biết thêm, tính theo giá trị thị trường, giá khởi điểm được đưa ra chỉ là giá trị định giá để thu hồi được gốc và lãi theo mong muốn từ phía Ngân hàng và người có tài sản. Tuy nhiên, trên thực tế, tính theo giá thị trường, giá trị tài sản có thể không bằng giá khởi điểm đã được đưa ra. Do đó, phía chủ tài sản và Ngân hàng cũng đã ký thỏa thuận đưa ra tài sản bán đấu giá trong thời hạn nhất định với giá khởi điểm mong muốn. Nếu trong thời gian đó, không bán được thì các bên ngồi lại cùng thỏa thuận bán tài sản với giá giảm xuống thấp hơn.

Chuyên đề