Cổ phiếu Vinahud liệu có hút khách khi niêm yết?

(BĐT) - Sau hơn 10 năm hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Công ty CP Đầu tư phát triển nhà và đô thị Vinaconex (Vinahud, mã chứng khoán VHD) mới quyết định niêm yết cổ phiếu lên trên UPCoM. 
Vinaconex là cổ đông tổ chức duy nhất, đồng thời là công ty mẹ sở hữu 70% vốn điều lệ của Công ty CP Đầu tư phát triển nhà và đô thị Vinaconex. Ảnh: Minh Yến
Vinaconex là cổ đông tổ chức duy nhất, đồng thời là công ty mẹ sở hữu 70% vốn điều lệ của Công ty CP Đầu tư phát triển nhà và đô thị Vinaconex. Ảnh: Minh Yến

Cụ thể, ngày 22/6/2017 sẽ niêm yết 7 triệu cổ phiếu với mức giá chào sàn là 19.700 đồng/CP. Mức giá khá cao so với nhiều doanh nghiệp “sừng sỏ” của Vinaconex đang giao dịch trên thị trường chứng khoán và cao hơn 60% giá trị sổ sách của doanh nghiệp này tại thời điểm 31/12/2016.

Kết quả kinh doanh không ổn định

Không có nhiều lợi thế liên quan đến năng lực thi công xây lắp hay tài chính, kết quả kinh doanh của Vinahud trong 3 năm gần đây khá là bấp bênh. Cụ thể, doanh thu thuần năm 2016 ở mức khiêm tốn, chỉ đạt 26,69 tỷ đồng, bằng 50% so với 53,25 tỷ đồng trong năm 2015. Song lợi nhuận sau thuế năm 2016 lại tăng gần 38,4% so với 2015, đạt 7,28 tỷ đồng.

Sự trái chiều trong kết quả kinh doanh dựa trên những thay đổi bất thường trong cơ cấu doanh thu - chi phí 2 năm gần đây khiến nhà đầu tư băn khoăn về tính ổn định của doanh nghiệp này. Đầu tiên, việc ghi nhận bất thường hơn 4 tỷ đồng từ doanh thu tài chính trong khi chi phí lãi vay giảm đã giảm bớt ảnh hưởng của việc doanh thu lao dốc. Theo đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chỉ giảm 23,8% so với năm 2015.

Đặc biệt hơn nữa, nhờ việc chuyển lỗ từ các năm trước vào kết quả kinh doanh năm 2016 nên mức thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp này chỉ còn hơn 5,07 tỷ đồng. Do đó, số tiền Vinahud phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp giảm đi 1/3 so với năm 2015. Nhiều khả năng đây là thủ thuật tài chính giúp phân bổ khoản lãi lỗ làm đẹp báo cáo tài chính của doanh nghiệp này. Nếu không để ý kỹ càng, rất nhiều nhà đầu tư sẽ bị đánh lừa bởi những con số này. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh không mấy khả quan khi phải ghi nhận mức lỗ 5,92 tỷ đồng trong năm 2014 có lẽ là những thông tin mà Vinahud không muốn công bố. Rất khó có thể tìm kiếm được những thông tin về kết quả kinh doanh trước năm 2015 của doanh nghiệp này. 

Vinahud chào sàn không hấp dẫn?

Hiện Vinahud đang quản lý tòa nhà trụ sở công ty tại Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội được xây dựng trên tổng diện tích hơn 1.000 m2) và 50% giá trị lợi ích trong phát triển Dự án 536A Minh Khai theo hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty CP Văn phòng phẩm Cửu Long. Ngoài ra, Công ty liên danh với Tổng công ty Tư vấn Thủy lợi Việt Nam đầu tư Dự án Tòa nhà hỗn hợp chung cư cao tầng tại đường Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội) có tổng mức đầu tư 207,8 tỷ đồng, diện tích 2.619 m2.

Theo suy luận của phóng viên, nhiều khả năng mức giá chào sàn được ước tính dựa trên phương pháp định giá tài sản tại thời điểm cuối năm 2016. Với phương pháp này, giá trị quyền sử dụng đất nộp 1 lần chu kỳ 50 năm và tài sản hình thành trên đất của Tòa nhà Vinahud, nếu xác định theo giá trị thị trường thời điểm hiện tại, sẽ là một con số khá lớn, ước tính có thể lên tới gần 100 tỷ đồng. Vì vậy, mức giá tham chiếu chào sàn ngày 22/6/2017 là 19.600 đồng/CP đã phản ánh khá sát với giá trị thực tế tài sản của doanh nghiệp và không có nhiều hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Ngoài ra, cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp này khá cô đặc, vẻn vẹn 144 cổ đông trong đó Vinaconex là cổ đông tổ chức duy nhất, đồng thời là công ty mẹ sở hữu 70% vốn điều lệ Vinahud. Như vậy, lượng cổ phiếu “trôi nổi” ở bên ngoài là rất thấp. Cũng tương tự như cổ phiếu của các công ty thuộc Vinaconex khác, nhiều khả năng Vinahud sẽ rơi vào tình trạng mất thanh khoản giao dịch, chỉ vài trăm cổ phiếu cũng khiến giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn. Thanh khoản của cổ phiếu sẽ chỉ gia tăng khi công ty mẹ có chủ trương thoái vốn.

Chuyên đề