Cổ phiếu dược: Thận trọng với đà tăng “ăn theo” dịch bệnh!

 Đợt sóng tăng “ăn theo” dịch bệnh nCoV của nhóm cổ phiếu dược đang mang lại hiệu suất sinh lời tốt nhưng không phải cổ phiếu dược nào cũng được đánh giá thích hợp để gia tăng tỷ trọng.

Ngược dòng thị trường

Trong khi thị trường chứng khoán đang bị bao trùm bởi tâm lý lo ngại từ dịch bệnh do chủng mới của virus corona (nCoV) với hầu hết các nhóm ngành đều giảm điểm thì nhóm cổ phiếu dược trở thành điểm sáng khi đồng loạt tăng giá.

Kể từ khi mở cửa trở lại sau Tết Nguyên đán, nhóm cổ phiếu dược đã có những phiên tăng mạnh, mặc dù đã dần điều chỉnh lại trong những phiên gần đây nhưng nhóm cổ phiếu này tính chung vẫn có mức tăng giá khoảng 5% - ngược chiều thị trường chung (VN-Index giảm 4,9%).

Nếu như đợt tăng giá cổ phiếu của Công ty cổ phần Pymepharco (PME) diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này vừa công bố báo cáo tài chính quí 4-2019 ghi nhận tín hiệu lạc quan với doanh thu tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2018, sau khi trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức tăng 19%, hay cổ phiếu của Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (IMP) diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này báo lãi sau thuế tăng 31,7%, thì với nhiều doanh nghiệp khác, tình hình không được khả quan như vậy.

Tại Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC), Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây (DHT), lợi nhuận quí cuối năm 2019 có mức tăng trưởng thấp. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quí 4-2019 của DHG chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2018, chưa đủ bù đắp sự sụt giảm trong quí 3 và khiến lợi nhuận sau thuế cả năm giảm 3% so với năm 2018.

Tại DMC và DHT, lợi nhuận sau thuế quí 4-2019 tăng lần lượt 0,36% và 1,4% so với cùng kỳ năm 2018. Với Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (DBD), lợi nhuận sau thuế quí 4-2019 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2018. Còn tại Tổng công ty Dược Việt Nam (DVN), doanh thu thuần của công ty mẹ trong quí 4-2019 chỉ đạt 10,5 tỉ đồng, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm 2018, cùng với doanh thu tài chính giảm trong khi các chi phí đồng loạt tăng khiến lợi nhuận sau thuế giảm 61,6%, chỉ đạt 8,4 tỉ đồng.

Lợi nhuận đi ngang hoặc sụt giảm, nhưng giá cổ phiếu vẫn bứt phá cho thấy tình trạng đồng thuận thăng hoa của cổ phiếu dược chủ yếu đến từ tâm lý kỳ vọng của thị trường khi cho rằng đây sẽ là nhóm ngành hưởng lợi từ sự lây lan của dịch bệnh. Kỳ vọng này phần nào có cơ sở khi tâm lý lo ngại dịch bệnh sẽ làm tăng chi tiêu của người dân cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh.

Đa số doanh nghiệp dược hiện nay có cung cấp các sản phẩm thuốc kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, điều trị các bệnh đường hô hấp, bên cạnh đó là các thực phẩm chức năng. Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể hưởng lợi khi chủng loại sản phẩm kinh doanh, tỷ trọng đóng góp trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận, chất lượng tiêu chuẩn nhà máy, kênh phân phối của các doanh nghiệp là rất khác nhau.

Cần thận trọng với đà tăng đồng loạt

Cổ phiếu ngành dược từ lâu được xem là nhóm cổ phiếu an toàn cao bởi sản phẩm kinh doanh có đặc thù liên quan đến sức khỏe. Thu nhập của người dân ngày càng tăng, chi tiêu cho việc chăm sóc sức khỏe theo đó gia tăng. Đa số doanh nghiệp dược phẩm, y tế trên thị trường có cơ cấu tài chính lành mạnh với dòng tiền tốt, nhưng triển vọng có sự phân hóa lớn đến từ những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải.

Yếu tố đầu tiên có thể kể đến là các doanh nghiệp sản xuất thuốc chủ yếu phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, khiến các khoản chi phí nhập khẩu, biến động về tỷ giá và giá cả khó kiểm soát. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2018, Trung Quốc là nhà cung cấp nguyên liệu dược phẩm lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 64% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong khi thị trường thứ hai là Ấn Độ chỉ chiếm 17,1%.

Việc phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu trong khi giá dược liệu nhập khẩu tăng là nguyên nhân khiến biên lợi nhuận một số doanh nghiệp như IMP, DHG, DMC, DHT... có xu hướng giảm.

Về môi trường kinh doanh, hiện nay, thị phần ở kênh đấu thầu vào nhà thuốc bệnh viện (ETC) chiếm khoảng 70% thị phần của cả thị trường thuốc. Mảng này hiện chủ yếu đến từ thuốc nhập khẩu do chưa nhiều nhà máy trong nước đáp ứng được các tiêu chuẩn cần thiết, kế đó là khả năng cạnh tranh về giá trong bối cảnh đấu thầu thuốc bị siết chặt cả về giá và chất lượng.

Trong khi đó, kênh bán lẻ không cần kê đơn tại các nhà thuốc (kênh OTC), vốn là nguồn đóng góp doanh thu chính của nhiều doanh nghiệp, gần đây lại có tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp dược Việt Nam đã trở thành đối tượng trong các thương vụ mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) của các nhà đầu tư nước ngoài như Taisho mua chi phối DHG, Abbott đầu tư vào DMC, Stada Service Holding B.V đầu tư vào PME...

Xu hướng này được đánh giá sẽ chưa dừng lại. Sự gia nhập của các doanh nghiệp nước ngoài mạnh về tài chính, năng lực quản trị, đẩy mạnh đầu tư nhằm tăng thị phần sẽ khiến sự cạnh tranh trong ngành dược ngày một khốc liệt hơn.

Thực tế trên cho thấy sự phân hóa giữa các cổ phiếu thuộc ngành dược đã, đang và sẽ còn rất lớn trong thời gian tới. Đợt sóng tăng “ăn theo” dịch bệnh nCoV của nhóm cổ phiếu dược đang mang lại hiệu suất sinh lời tốt, tuy nhiên không phải cổ phiếu dược nào cũng được đánh giá thích hợp để gia tăng tỷ trọng.

Về tác động của dịch bệnh, theo đánh giá sơ bộ, một số cổ phiếu dược sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn là cổ phiếu của các doanh nghiệp bán hàng qua kênh OTC có tỷ trọng các sản phẩm liên quan đến bệnh dịch ở mức tương đối như DHG, DHT, IMP với nhóm thuốc kháng sinh; DBD, OPC với nhóm thuốc sát trùng. Còn các doanh nghiệp bán hàng qua kênh ETC sẽ cần thêm thời gian mới có thể đánh giá được tác động cụ thể.

Chuyên đề