Có nên đầu tư vào vàng?

(BĐT) - Xu hướng nới lỏng tiền tệ và các bất ổn địa chính trị trên thế giới đã khiến giá vàng thế giới tăng vọt, kéo giá vàng trong nước tăng hơn 13% trong hơn 2 tháng qua. Đây được coi là mức sinh lợi hấp dẫn, song việc đầu tư vào vàng ở thời điểm này, theo một số chuyên gia, cần cân nhắc cẩn trọng.
Giá vàng trong nước đã tăng khoảng 13,6% tính từ tháng 6/2019 đến nay. Ảnh: Nhã Chi
Giá vàng trong nước đã tăng khoảng 13,6% tính từ tháng 6/2019 đến nay. Ảnh: Nhã Chi

Đến 16h chiều ngày 7/8, trên bảng giao dịch điện tử của sàn giao dịch vàng Kitco, giá vàng thế giới được giao dịch ở mức 1.487 USD/ounce, tương đương 41,8 triệu đồng/lượng. Trong phiên giao dịch cùng ngày, giá vàng thế giới đã có lúc lên đến mức 1.490 USD/ounce.

Giới phân tích thị trường vàng thế giới cho rằng, nguyên nhân giá vàng thế giới treo trên đỉnh 6 năm và có xu hướng tiếp tục tăng là do căng thẳng Mỹ - Trung đã rơi vào tình trạng khó kiểm soát.

Theo đó, vàng tăng chủ yếu do giới đầu tư dồn dập đổ tiền vào các kênh đầu tư an toàn sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ. Vàng tăng giá còn do nhu cầu phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm và căng thẳng địa chính trị tiềm ẩn ở nhiều nơi trên thế giới. Căng thẳng ở Vùng Vịnh có nguy cơ bùng phát sau thông tin Iran lại bắt tàu chở dầu nước ngoài.

Bình luận về giá vàng thế giới, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) nhận xét, với các bất ổn địa chính trị và chủ trương nới lỏng tiền tệ của nhiều quốc gia trên thế giới, giá vàng đã liên tục vượt các ngưỡng kháng cự trong thời gian vừa qua.

“Khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn còn có thể tiếp tục trong thời gian tới, cung tiền của các nước đều tăng, thì rủi ro lạm phát gia tăng và vàng trở thành kênh trú ẩn đươc nhiều người lựa chọn. Do đó, giá vàng thế giới từ nay đến cuối năm dự báo vẫn sẽ ở mức cao”, ông Hải nói.

Về thị trường trong nước, đến 16h chiều ngày 7/8, giá vàng SJC mua vào - bán ra tại Hà Nội được Công ty CP SJC Sài Gòn niêm yết ở mức 41,2 - 41,6 triệu đồng/lượng, tăng 550.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 800.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên chiều hôm trước.

Cùng thời điểm trên giá mua vào - bán ra của vàng Rồng Thăng Long giao dịch ở mức 41,12 - 41,67 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên chiều hôm trước.

Về khối lượng giao dịch, Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu cho biết, tại các chi nhánh của công ty này, ngay từ đầu phiên giao dịch buổi sáng 7/8, lượng khách đến giao dịch đã khá đông, ước tính 70% lượng khách đến mua vàng, và 30% lượng khách đến bán ra.

Theo Công ty Bảo Tín Minh Châu, giá vàng hiện đang giao dịch ở mức cao, đạt đỉnh trong 6 năm qua và vẫn có xu hướng tăng, đây là cơ hội thích hợp cho người dân và các nhà đầu tư mua bán để chốt lời.

Trong khi đó, nhận xét về mức tăng của giá vàng trong nước, ông Trần Thanh Hải cho rằng, giá vàng trong nước đã tăng được khoảng 13,6% tính từ tháng 6/2019 đến nay, mức tăng giá này thấp hơn mức tăng 15,6% của giá vàng thế giới trong cùng thời gian. Do đó, dư địa tăng giá của giá vàng trong nước vẫn còn và vàng đã xác lập mặt bằng giá mới. “Giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã xác lập mặt bằng mới, và mức giá 36,5 triệu đồng/lượng là khó có thể quay trở lại”, ông Hải nói.

Phân tích về kênh đầu tư vàng trong thời điểm hiện nay, vị chuyên gia này cho rằng, mức tăng giá 13,6% của vàng trong hơn 2 tháng qua đã vượt mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm và lãi suất trái phiếu kỳ hạn 12 tháng.

“Với mức sinh lợi lớn như vậy, đã có ý kiến cho rằng nên đầu tư vào vàng, nhưng theo tôi, cần cân nhắc thận trọng, bởi vì việc bỏ tiền vào vàng ở thời điểm này có nghĩa là không còn hưởng lợi 13,6% như thời điểm trước đó. Dù vậy, với biến động địa chính trị và những yếu tố hỗ trợ cho giá vàng vẫn còn, việc để dành một phần tiền nhàn rỗi cho vàng, lưu ý là tiền nhàn rỗi chứ không phải tiền đi vay hoặc tất toán danh mục đầu tư khác khi chưa đến hạn, là có thể xem xét để thêm một kênh sinh lợi”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Chuyên đề