Chứng khoán ngày 24/4: Tăng trong nghi ngờ

Các chỉ số tăng mạnh mẽ ngay khi mở cửa phiên sáng nhưng thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh cho thấy tâm lý nghi ngại của giới đầu tư.
Chứng khoán ngày 24/4: Tăng trong nghi ngờ. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Chứng khoán ngày 24/4: Tăng trong nghi ngờ. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/4, chỉ số VN – Index tăng 8,92 điểm lên 976,92 điểm. Khối lượng giao chỉ đạt hơn 134 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 2827 tỷ đồng. Toàn sàn có 190 mã tăng giá, 65 mã giảm đứng giá và 92 mã giảm giá.

HNX – Index tăng 0,85 điểm lên 107,14 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 34,3 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 349 tỷ đồng. Toàn sàn có 75 mã tăng giá, 56 mã đứng giá và 73 mã giảm giá.

Cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt tăng giá đã giúp các chỉ số tăng trưởng tích cực. Theo đó, trong rổ cổ phiếu VN30 (30 mã cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất lên thị trường) có tới 23 mã tăng giá, trong khi chỉ có 5 mã giảm giá.

Các mã trong rổ VN30 tăng mạnh có thể kể đến như: VNM và VRE đều tăng 2%, HPG tăng mạnh mẽ với mức 4,5% và khớp lệnh hơn 5,8 triệu đơn vị. Cổ phiếu FPT cũng tăng 1,4%, DPM tăng 1,7%.

Hai mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, nhì thị trường cũng diễn biến tích cực. Cụ thể, VIC tăng 0,7%, trong khi VHM tăng 0,8%. Trong khi đó, VJC, MSN, PNJ, NVL cũng đều giữ được sắc xanh nhẹ.

Sắc xanh cũng trở lại với nhóm cổ phiếu ngân hàng. Trong nhóm này chỉ còn 3 mã giảm giá là NVB giảm 2,2%, TPB giảm 1,2%, EIB giảm 1,1%.

Trong khi đó, ở chiều tăng giá, cổ phiếu CTG tăng tới 2,6%, TCB tăng 3,2%, ACB tăng 1,7%, VCB tăng 1,5%, BID tăng 1,2%, VIB tăng 1,1%, VPB tăng 1%...

Nhóm cổ phiếu dầu khí diễn biến sắc xanh, đỏ khá tích cực với sắc xanh chiếm ưu thế. Ở chiều tăng giá có PLX tăng 0,8%, BSR tăng 6,9%, OIL tăng 2,3%, PVS tăng 1,7%, POW tăng 2,5%. Ở chiều giảm giá có PVB giảm 1%, trong khi PVS giảm nhẹ 0,5%.

Sắc xanh cũng lan tỏa trong nhóm cổ phiếu chứng khoán. Tuy nhiên, thanh khoản tại nhóm này rất yếu. Các mã tăng trưởng tích cực trong nhóm cổ phiếu này có thể kể đến như: SSI tăng 2,2%, HCM tăng tới 6,6%, CTS tăng 0,6%...

Điểm tích cực là khối ngoại đã trở lại mua ròng hàng trăm tỷ đồng. Theo đó, trên HOSE, khối ngoại mua ròng trên 4,62 triệu đơn vị, giá trị mua ròng đạt 189,83 tỷ đồng.

Trên sàn này, khối ngoại mua ròng mạnh nhất mã HPG (hơn 70 tỷ đồng), tiếp đến là MSN (hơn 33 tỷ đồng). Khối ngoại bán ròng mạnh nhất mã HBC (31,2 tỷ đồng).

Trên HNX, khối ngoại bán ròng 265.927 cổ phiếu, nhưng tính theo giá trị thì khối này mua ròng nhẹ 218,41 triệu đồng. Trên sàn này, khối ngoại mua ròng mạnh nhất mã PVS (5,65 tỷ đồng) và bán ròng mạnh nhất SHS (5,6 tỷ đồng).

Trên thị trường UPCoM, khối ngoại mua ròng tới hơn 9,8 triệu cổ phiếu, giá trị mua ròng đạt 18,2 tỷ đồng. Trên sàn này, khối ngoại mua ròng mạnh BSR (hơn 10,5 tỷ đồng), tiếp đến là mã VTP (hơn 7 tỷ đồng).

Trước đó, Chứng khoán Phố Wall đã chứng kiến các mức cao kỷ lục chưa từng có của các chỉ số chứng khoán chủ chốt trong phiên 23/4 sau khi nhiều doanh nghiệp lớn công bố báo cáo quý I/2019 lạc quan.

Theo đó, tại thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,6%, lên 26.656,39 điểm. Chỉ số S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đều kết thúc phiên này ở mức cao kỷ lục mới khi tăng lần lượt 0,9% và 1,3% lên 2.933,68 điểm và 8.120,82 điểm. 

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt đi lên sau kỳ nghỉ lễ Phục sinh kéo dài.

Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại London (Vương quốc Anh) tăng 0,9% lên 7.523,07 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tiến 0,1% lên 12.235,51 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) cũng ghi thêm 0,2% và đạt mức 5.591,69 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 phiên này nhích 0,1% và đóng cửa ở mức 3.503,85 điểm. 

Các nhà đầu tư đã tỏ thái độ thận trọng khi bước vào mùa công bố báo cáo thu nhập quý I với những dự báo nhìn chung là lợi nhuận doanh nghiệp sẽ suy yếu./.

Chuyên đề