Chống gian lận chuyển giá đang chậm lại

(BĐT) - Thanh tra giá chuyển nhượng nhằm chống các hành vi lợi dụng chuyển giá để trốn thuế vẫn là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế năm 2019. Tuy nhiên, tiến độ công tác này trong 3 tháng đầu năm đang chậm lại.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Tại buổi họp báo của Bộ Tài chính chiều 5/4, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, việc thanh tra giá chuyển nhượng đang thực hiện với những doanh nghiệp (DN) có phạm vi, quy mô lớn, vụ việc phức tạp và kéo dài.

Số liệu được vị Phó Tổng cục trưởng này cung cấp cho biết, đến hết quý I năm nay, ngành thuế mới chỉ thực hiện thanh tra giá chuyển nhượng với 26 DN có hoạt động giao dịch liên kết. Qua đó đã tiến hành truy thu, truy hoàn 115 tỷ đồng, giảm lỗ 113 tỷ đồng, giảm khấu trừ 2,8 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế là 779 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng số DN có giao dịch liên kết được thanh, kiểm tra trong năm 2018 là 593 DN, qua đó, cơ quan thuế truy thu, truy hoàn và phạt gần 1.638 tỷ đồng; giảm lỗ 4.808 tỷ đồng; điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế gần 7.292 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế cho biết, trong 3 năm qua, cơ quan này đã xây dựng, rà soát, hoàn thiện các quy định đối với chống chuyển giá. Cụ thể, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết; trình Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư số 41/2017/TT- BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Theo cơ quan thuế, những quy định đó đã góp phần cải cách hành chính về thuế, giảm bớt nghĩa vụ kê khai và lập hồ sơ xác định giá chuyển nhượng đối với các DN có tỷ lệ kiểm soát giữa các bên và tỷ lệ vốn vay trong vốn chủ sở hữu dưới 25%.

Để tăng cường hiệu quả của công tác chống chuyển giá đối với các DN có giao dịch liên kết, hạn chế xói mòn nguồn thu, tại Dự thảo Luật Quản lý thuế đã bổ sung một số quy định liên quan đến giá chuyển nhượng.

Về cơ sở dữ liệu để chống chuyển giá, đã có quy định về trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế nước ngoài phục vụ công tác quản lý giá chuyển nhượng đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết; quy định về ấn định thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết nhưng không tuân thủ quy định về kê khai, xác định giá giao dịch liên kết. Trong thời gian qua, ngành thuế đã xây dựng một số tiêu chí lựa chọn DN có rủi ro về giá chuyển nhượng để áp dụng trong xây dựng kế hoạch thanh tra giá chuyển nhượng của Tổng cục Thuế và đưa vào các văn bản chỉ đạo các cục thuế xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm.

Theo đó, một số tiêu chí cơ bản được nêu là: DN lỗ liên tục nhưng vẫn mở rộng sản xuất; có phát sinh giao dịch liên kết lớn; phát sinh giao dịch liên kết chủ yếu với các bên liên kết tại các nước thuế suất thấp hoặc không thu thuế…

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế thực hiện hỗ trợ các cục thuế về cơ sở dữ liệu trong công tác thanh tra giá chuyển nhượng, thực hiện báo cáo tình hình và hiệu quả khi sử dụng cơ sở dữ liệu một số ngành tại các cục thuế để đảm bảo độ chính xác, đầy đủ về thông tin ngành nghề kinh doanh của DN.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, một khung khổ pháp lý như vậy vẫn chưa đầy đủ để hỗ trợ công tác chống gian lận chuyển giá. Xét ở cấp độ luật, nội dung về chuyển giá mới được quy định “lẻ tẻ” tại Luật Quản lý thuế. Trong khi đó, các quy định về định giá chuyển giao chỉ mới dừng ở cấp thông tư và gần đây là nghị định nên hiệu lực pháp lý chưa cao, gây khó khăn cho quá trình thực hiện.

Mặt khác, việc thanh tra giá chuyển nhượng đòi hỏi cán bộ thanh tra không chỉ phải đấu tranh với DN mà còn phải đấu tranh với đội ngũ tư vấn và luật sư dày dạn kinh nghiệm. Đây cũng được coi là một trong những trở ngại đối với nỗ lực chống gian lận chuyển giá của ngành thuế.

Chuyên đề