Chính sách tiền tệ chuyển nhịp điều tiết

Những ngày cuối tháng 10 chứng kiến chính sách tiền tệ chuyển nhịp điều tiết các cân đối...
Nhịp điều hành và bước chuyển này vẫn đang tạo được bộ giảm chấn êm, khi bên ngoài thị trường thế giới đang đầy biến động - Ảnh: Quang Phúc.
Nhịp điều hành và bước chuyển này vẫn đang tạo được bộ giảm chấn êm, khi bên ngoài thị trường thế giới đang đầy biến động - Ảnh: Quang Phúc.

Những ngày cuối tháng 10/2018, thị trường chứng kiến lãi suất VND liên ngân hàng liên tiếp những phiên tăng mạnh. Cùng thời điểm, việc "bơm - hút" tiền từ nhà điều tiết đã đảo chiều.

Đến giữa tuần qua, lãi suất qua đêm VND trên thị trường liên ngân hàng đã vượt mốc 4,5%/năm. Đây là lãi suất điển hình, vì kỳ hạn có doanh số giao dịch lớn nhất thường ngày.

Mức 4,5%/năm cao hẳn so với vùng quanh 3%/năm của khoảng vài tuần trước đó. Diễn biến này có sự tương đồng nhất định với thị trường 1 (với dân cư và tổ chức kinh tế), khi lãi suất huy động VND của các ngân hàng thương mại tăng lên gần đây.

Thị trường liên ngân hàng có vai trò như một hồ điều hòa thanh khoản hệ thống, nhưng mức độ liên thông với thị trường 1 có hạn. Thực tế, ngay trong năm 2017 và 2018, có nhiều thời điểm lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng lên mốc 5%/năm, lãi suất trên thị trường 1 vẫn không xao xuyến, thậm chí giảm.

Những diễn biến đó chủ yếu phản ánh các nhịp điều tiết của Ngân hàng Nhà nước, cũng như các dòng chảy liên quan.

Ví như vài ngày tới, Tổng cục Thống kê công bố số liệu tổng quan tình hình kinh tế 10 tháng đầu năm. Trong đó, tốc độ và mức độ giải ngân đầu tư công được chú ý. Nguồn này có liên thông nhất định với hệ thống ngân hàng, ở mức độ tiền gửi ngân sách.

Hoặc ở kênh trái phiếu Chính phủ, mức độ và tần suất phát hành gần đây và hai tháng còn lại của năm cũng tác động đến nguồn vốn hệ thống ngân hàng, khi mà kế hoạch huy động trái phiếu Chính phủ vẫn còn khá thấp sau 9 tháng…

Còn ở điều hành chính sách tiền tệ, nhịp điều tiết mới đã thể hiện trong tuần qua, một cách rõ hơn.

Như VnEconomy từng đề cập, 2018 đang trở thành một năm khác biệt trong hoạt động ngân hàng. Lịch sử chưa từng có năm nào số dư lưu hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước lớn đến như vậy và kéo dài trong năm. Đây là một trong những công cụ chủ yếu để hút bớt tiền về, trung hòa lượng tiền lớn đưa ra mua ngoại tệ gối đầu từ 2017 sang nửa đầu 2018, cũng như lượng lớn tiền ngân sách thu từ thoái vốn mà giải ngân đầu tư công chậm…

Trong sự khác biệt đó, tuần qua ghi nhận Ngân hàng Nhà nước đã thực sự chuyển nhịp điều hành, vì sau một thời gian dài đã không còn phải phát hành tín phiếu hút bớt tiền về nữa.

Trong khi đó, lượng tín phiếu phát hành trước đó lần lượt đáo hạn, ngấm trở lại thị trường, và số dư tín phiếu lưu hành đến ngày 25/10 chỉ còn 36.390 tỷ đồng (nửa đầu năm nay thường xuyên ghi nhận mức quanh 150.000 tỷ đồng).

Nhịp chuyển cũng thể hiện rõ khi trong tuần qua Ngân hàng Nhà nước liên tục chào thầu lượng lớn (15.000 - 17.000 tỷ/phiên) trên kênh cầm cố, kỳ hạn 7 ngày, và số dư ở kênh này đã tăng lên 32.134 tỷ đồng tính đến 25/10.

Nhịp chuyển trên nhằm hỗ trợ thanh khoản hệ thống. Một mặt, nhà điều hành vẫn bám sát để điều tiết lãi suất ổn định, gián tiếp hạn chế biến động lãi suất trên thị trường. Mặt khác, như trên, các dòng chảy giải ngân đầu tư công, huy động vốn trái phiếu Chính phủ vào kỳ mạnh hơn, cần sự phối hợp nhịp nhàng. Và "như thường lệ", nền kinh tế và hoạt động ngân hàng đã vào giữa quý cuối năm - cao điểm sản xuất kinh doanh và thanh toán, chi trả.

Trong những dòng chảy đó, vừa qua còn có thêm yếu tố nhà điều hành bán ra ngoại tệ, đồng nghĩa với hút bớt tiền đồng về.

Nhịp chuyển trên tạo thay đổi đáng chú ý, cho thấy sự linh hoạt, nhanh trong điều tiết các cân đối, mà điểm đến cuối cùng là sự ổn định cho thanh khoản hệ thống, ổn định lãi suất và tỷ giá.

Nếu cắt lớp phần kết quả chuyển tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp qua lãi suất và tỷ giá, nhịp điều hành và bước chuyển trên vẫn đang tạo được bộ giảm chấn êm, khi bên ngoài thị trường thế giới đang đầy biến động.

Chuyên đề