Chặn “cổ phần hóa” thành “gia đình hóa” DNNN

(BĐT) - Tại cuộc họp báo chuyên đề do Bộ Tài chính tổ chức, đại diện Bộ này đã lý giải về vấn đề nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tranh thủ quá trình cổ phần hóa để thâu tóm cổ phần của doanh nghiệp như trường hợp gia đình Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa.
Chặn “cổ phần hóa” thành “gia đình hóa” DNNN

Không còn chuyện “thâu tóm cổ phần”

Xung quanh câu chuyện gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hồ Thị Kim Thoa sở hữu khoảng 35% vốn điều lệ tại Công ty CP bóng đèn Điện Quang, đại diện Cục Tài chính Doanh nghiệp cho biết việc này một phần xuất phát từ cơ chế ưu tiên bán cổ phần theo thỏa thuận từ trước, từng được áp dụng trước năm 2015. Theo Phó cục trưởng Đặng Quyết Tiến, với quy định trước đây về chuyển DNNN thành công ty cổ phần, việc cán bộ mua cổ phần khi DNNN chuyển đổi được khuyến khích. "Khi đó Đảng viên, cán bộ Nhà nước phải đi đầu trong việc mua cổ phần", ông Tiến nói thêm.

Tuy nhiên, việc ưu tiên bán cổ phần theo thỏa thuận trước đây đã dẫn tới hiện tượng mua bán cổ phần trong nội bộ doanh nghiệp, như trường hợp gia đình lãnh đạo Điện Quang sau này sở hữu số cổ phần trị giá hàng trăm tỷ. Từ năm 2015, cơ chế này đã được thay đổi, không còn việc ưu tiên bán cổ phần DNNN thông qua thỏa thuận nữa. Cổ phần DNNN trước tiên phải được đưa ra bán đấu giá công khai, nếu không thành công thì đưa ra chào bán giá cạnh tranh (đấu giá theo điều kiện). Khi cả 2 bước trên không thành công mới bán cổ phần theo thỏa thuận.

“Đã đấu giá công khai thì người mua cũng được công khai và cạnh tranh sòng phẳng với nhau. Điều này tránh việc thoả thuận giữa 2 bên, lãnh đạo DNNN muốn bán cho ông A nên xây dựng chính sách, điều kiện có lợi cho ông A”, ông Tiến khẳng định.

Ông Nguyễn Duy Long - Trưởng phòng Đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp – Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, dự thảo Nghị định mới về chuyển đổi DNNN thành công ty cổ phần điều chỉnh theo hướng người lao động được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước với giá bán bằng 60% giá trị 1 cổ phần tính theo mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần), phần giá trị ưu đãi này được trừ vào vốn nhà nước khi quyết toán và người lao động phải bỏ tiền để thanh toán 60% giá trị một cổ phần theo mệnh giá. Ngoài ra, người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, thuộc đối tượng doanh nghiệp cần sử dụng và có cam kết làm việc lâu dài cho doanh nghiệp trong thời hạn ít nhất là 3 năm sẽ được mua thêm cổ phần ưu đãi theo mức 200 cổ phần/1 năm cam kết làm việc tiếp trong doanh nghiệp nhưng tối đa không quá 2.000 cổ phần cho một người lao động.

Riêng người lao động là các chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao làm việc tại doanh nghiệp được mua thêm theo mức 500 cổ phần/1năm cam kết làm việc tiếp trong doanh nghiệp nhưng tối đa không quá 5.000 cổ phần cho một người lao động.Tiêu chí để xác định chuyên gia giỏi, có trình độ nghiệp vụ cao phải được nhất trí thông qua tại Đại hội công nhân viêncủa doanh nghiệp trước khi cổ phần hoá.

Nhiều quy định để chặn thất thoát khi cổ phần hóa

Theo ông Nguyễn Duy Long, Dự thảo Nghị định mới về chuyển đổi DNNN thành công ty cổ phần có nhiều điểm mới. Đầu tiên, điều chỉnh tiêu chí lựa chọn và có chính sách bán cổ phần phù hợp cho cổ đông chiến lược đối với doanh nghiệp cổ phần hoá.

Thứ hai là vấn đề xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá, trong đó tính cả giá trị về lợi thế thương mại của quỹ đất vào giá trị đất đai khi cổ phần hóa, hạn chế việc lợi dụng cổ phần hóa để ôm đất vàng giá rẻ.

Tiếp theo là các quy định xử lý các vấn đề về tài chính trước và trong quá trình cổ phần hoá được tăng cường đảm bảo ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước; chính sách bán cổ phần cho người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hoá; tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao năng lực và trách nhiệm của các tổ chức tài chính trung gian, các công ty kiểm toán, tư vấn... khi tham gia hoạt động hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi doanh nghiệp.

Thay đổi quan trọng nữa là các phương thức bán cổ phần lần đầu, ngoài 3 phương thức bán cổ phần hiện hành (đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp), dự thảo Nghị định bổ sung thêm phương pháp mới là phương pháp dựng sổ (Book building). Phương pháp dựng sổ là quá trình tạo lập, tiếp nhận và ghi lại cầu cổ phiếu của nhà đầu tư, tổ chức phát hành sẽ thực hiện chào bán ra công chúng thông qua bảo lãnh phát hành. Theo đó, tổ chức bảo lãnh phát hành phối hợp với tổ chức phát hành xác định khoảng giá dự kiến và dựa vào nhu cầu của thị trường trên cơ sở dựng sổ lệnh về nhu cầu nhà đầu tư để xác định mức giá cuối cùng. Đây là phương thức phổ biến trên thế giới cần được nghiên cứu áp dụng trong quá trình cổ phần hóa.

Chuyên đề