Cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ

(BĐT) - Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay trong nước và nước ngoài, khoản phát hành trái phiếu trong nước của doanh nghiệp; khoản phát hành trái phiếu trong nước của ngân hàng chính sách thực hiện chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo dự thảo, hình thức văn bản bảo lãnh gồm: Bảo lãnh chính phủ được thực hiện dưới hình thức thư bảo lãnh, hợp đồng bảo lãnh hoặc văn bản bảo lãnh (gọi chung là “Thư bảo lãnh”). Chính phủ chỉ cấp Thư bảo lãnh, không cấp Thư tái bảo lãnh.

Đối tượng được xem xét cấp bảo lãnh chính phủ phù hợp với quy định tại Điều 41 Luật Quản lý nợ công, đáp ứng các điều kiện cấp bảo lãnh theo quy định tại Điều 43 Luật Quản lý nợ công và được nêu cụ thể tại Nghị định này.

Dự thảo nêu rõ, điều kiện cấp bảo lãnh chính phủ thực hiện theo quy định tại Điều 43 của Luật Quản lý nợ công.

Cụ thể, điều kiện được cấp bảo lãnh chính phủ đối với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư: Đối với doanh nghiệp là người vay, chủ thể phát hành trái phiếu: Có tư cách pháp nhân, được thành lập hợp pháp tại Việt Nam và có thời gian hoạt động ít nhất 03 năm; không bị lỗ trong 03 năm liền kề gần nhất theo báo cáo kiểm toán, trừ các khoản lỗ do thực hiện chính sách của Nhà nước được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; không có nợ quá hạn tại thời điểm đề nghị cấp bảo lãnh; bảo đảm hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 03 lần theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm gần nhất so với thời điểm thẩm định cấp bảo lãnh Chính phủ; có tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia dự án tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án. Vốn chủ sở hữu phải được bố trí theo tiến độ thực hiện dự án…

Đối với dự án đầu tư phải đáp ứng các điều kiện: Đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh chính phủ; khoản bảo lãnh nằm trong hạn mức bảo lãnh hàng năm đã được Chính phủ phê duyệt; đã đăng ký kế hoạch cấp bảo lãnh cho khoản vay, khoản phát hành trái phiếu trong năm kế hoạch theo quy định; đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định của pháp luật có liên quan; có phương án tài chính dự án khả thi được Bộ Tài chính thẩm định, trong đó có hệ số trả nợ bình quân trong 05 năm đầu dự án tối thiểu là 0,9 đối với các dự án có hợp đồng bao tiêu sản phẩm hoặc hệ số 1 đối với các dự án khác. Phương án tài chính được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo báo cáo kết quả thẩm định của Bộ Tài chính.

Điều kiện được cấp bảo lãnh chính phủ đối với ngân hàng chính sách của Nhà nước thực hiện chương trình tín dụng chính sách: Được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, có chức năng huy động vốn để cho vay theo điều lệ được cấp có thẩm quyền ban hành; có Đề án phát hành trái phiếu được Bộ Tài chính thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh Chính phủ; khoản phát hành trái phiếu được sử dụng để thực hiện chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước theo quy định của Chính phủ, phù hợp với điều lệ tổ chức và hoạt động của ngân hàng chính sách đó; khoản phát hành trái phiếu đề nghị cấp bảo lãnh đã đăng ký kế hoạch cấp bảo lãnh của năm kế hoạch theo quy định và nằm trong hạn mức bảo lãnh hàng năm đã được Chính phủ phê duyệt.

Về mức bảo lãnh chính phủ, dự thảo đề xuất: Mức bảo lãnh chính phủ đối với trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu cho dự án đầu tư không vượt quá 70% tổng mức đầu tư của dự án.

Mức bảo lãnh chính phủ đối với khoản phát hành trái phiếu của ngân hàng chính sách là 100% hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu năm kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt.

Chuyên đề