Cảnh báo nguy cơ vàng hóa lặp lại nếu huy động vàng trong dân

Nếu thực hiện huy động, vàng sẽ mang thêm chức năng là phương tiện lưu thông tương tự như tiền. Khi có thêm chức năng này, nhu cầu về vàng sẽ tăng lên thay vì giảm xuống...
Cảnh báo nguy cơ vàng hóa lặp lại nếu huy động vàng trong dân

Đó là nhận định rất đáng lưu tâm của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tại Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2016 vừa công bố.

Theo VEPR, biến động trên thị trường vàng trong quý II được coi là một trong những diễn biến rất đáng lưu tâm trên thị trường tài sản nói riêng cũng như trong diễn biến kinh tế nói chung. Theo đó, quý II chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong thị trường vàng trong nước, giá vàng trong nước dần bám sát với giá vàng thế giới.

“Nửa cuối quý I, trong khi giá vàng thế giới tăng đột biến do những lo ngại về quyết định của Fed trong cuộc họp tháng 3, giá vàng trong nước vẫn tương đối ổn định và chỉ tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Điều này khiến cho mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới gần như không còn. Đầu quý II, giá vàng trong nước dao động ổn định quanh ngưỡng 33-34 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, ngay sau khi Fed quyết định giữ nguyên mức lãi suất hiện tại và đặc biệt là sự kiện Brexit (Anh rời EU), giá vàng trong nước cũng như thế giới đã có những phiên tăng mạnh liên tiếp trong những ngày gần đây. Tính đến cuối quý II, giá vàng trong nước đã tăng 5,6% và 6,4% (mua-bán) so với thời điểm cuối quý I và cuối năm 2015”, báo cáo của VEPR nhấn mạnh.

Báo cáo cũng đề cập diễn biến đáng lưu ý trong quý II, đó là vấn đề huy động vàng trong dân lại một lần nữa được đề cập, khi Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thành lập Sở Giao dịch vàng Quốc gia với mục đı́ch huy động vàng trong dân. Theo hiệp hội này, hiện người dân Việt Nam đang giữ khoảng 500 tấn vàng. Trong cuộc họp thường kỳ tháng 6, Thủ tướng Chính phủ đã giao NHNN chủ trì nghiên cứu, xem xét vấn đề huy động nguồn lực trong dân (bao gồm cả vàng và tiền), tạo nguồn vốn phục vụ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, chủ trương này cần được cân nhắc một cách hết sức thấu đáo, bởi những tác động có thể làm thị trường vàng có những diễn biến phức tạp hơn và đặc biệt là có thể khiến nguy cơ tình trạng “vàng hóa” quay trở lại.

“Chúng tôi cho rằng, bản chất của việc huy động vàng là đi ngược lại với nguyên tắc kinh tế. Vàng hiện được cất giữ trong dân, mang bản chất như mọi tài sản khác và chỉ ưu việt hơn về việc cất giữ, bảo quản. Nếu thực hiện huy động, vàng sẽ mang thêm chức năng là phương tiện lưu thông tương tự như tiền. Khi có thêm chức năng này, nhu cầu về vàng sẽ tăng lên thay vì giảm xuống. Cộng với những kích hoạt khác từ phía cầu (như trường hợp Brexit khiến giá vàng thế giới tăng hiện nay), sẽ tạo ra những cú sốc tích trữ, đầu cơ, khiến thị trường bất ổn và dễ tổn thương hơn. Đây sẽ là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng vàng hóa trở lại”, TS. Thành phân tích.

Cũng theo ông Thành, điều này cũng đúng với đô la hóa, khi các ngân hàng thương mại đặt mức lãi suất huy động dương với đồng USD. “Trong thời gian qua, NHNN đã lần lượt loại vàng và ngoại tệ ra khỏi hệ thống tín dụng. Chúng tôi cho rằng, NHNN cần thực hiện việc này một cách nhất quán, quyết đoán, tránh lặp lại những sai lầm không cần thiết”, TS. Thành khuyến nghị.

Phân tích sâu hơn, TS. Thành cho rằng, ý tưởng huy động vàng trong nên kinh tế đang góp phần tạo thêm bất ổn về tâm lý trên thị trường, và nếu thực hiện, sẽ thu hẹp không gian chính sách khi bất ổn vĩ mô xảy tới. Và về dài hạn, ý tưởng này đi ngược lại tiến trình chống vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế đang bắt đầu có hiệu lực trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua. Theo đó, NHNN cần kiên định con đường tách vàng và ngoại tệ (USD) ra khỏi lưu thông, và đưa vào vận hành theo các nguyên tắc của thị trường tài sản.

Chuyên đề