Cần "cú hích" cho thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang rất cần có một "cú hích" để xóa tan tâm lý e ngại của nhà đầu tư, từ đó thị trường mới có cơ hội bứt lên.
Cần "cú hích" cho thị trường chứng khoán. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Cần "cú hích" cho thị trường chứng khoán. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Dù các thông tin vĩ mô trong nước và thế giới rất tích cực, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam lại diễn biến lình xình với thanh khoản suy giảm trong Quý I. Không chỉ vậy, giới chuyên gia cũng đưa ra nhận định thận trọng cho thị trường chứng khoán trong Quý II. 

*Diễn biến lình xình 

Tính từ đầu năm đến hết ngày 5/4, chỉ số VN-Index tăng 10% lên 989,6 điểm, trong khi HNX-Index tăng 3,4%. 

Hết Quý I, khối ngoại vẫn mua ròng mạnh ở sàn HOSE nhưng lại bán ròng ở hai sàn còn lại là HNX và UPCOM. Tính trên toàn thị trường, khối lượng mua ròng đạt 126,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt gần 4.702 tỷ đồng. 

Theo Bộ Tài chính, đến hết ngày 18/3/2019, quy mô thị trường chứng khoán đạt trên 81% GDP, tăng 13,9% so với cuối năm 2018. Trong khi đó, hết Quý I/2018, quy mô thị trường chứng khoán tăng 13,5% so với cuối năm 2017, tương đương 79,6% GDP. 

Như vậy, có thể thấy mặc dù thị trường vẫn giữ được tăng trưởng về quy mô, nhưng tính về mức tăng của điểm số và dòng tiền ngoại đổ vào thị trường thì đã giảm nhiều so với Quý I/2018. 

Theo ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia chứng khoán đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB – MBS, Quý I/2019, thị trường chứng khoán thế giới tăng trưởng mạnh mẽ trước những thông tin hỗ trợ tích cực, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam có xu hướng tăng trưởng không rõ ràng. 

Thực tế, thị trường chứng khoán Mỹ tăng khoảng 22% trong Quý I, trong khi thị trường Việt Nam chỉ tăng được hơn 10%. Lý do là do dòng tiền mua ròng của khối ngoại Quý I/2019 đã quay trở lại, nhưng vẫn không mạnh như cùng kỳ năm trước. Sở dĩ Quý I/2018, dòng tiền ngoại chảy mạnh vào thị trường chứng khoán là nhờ những sự kiện thoái vốn lớn đình đám, trong khi đó Quý II/2019, chưa có sự kiện thoái vốn nào đáng chú ý và thu hút được dòng tiền ngoại. Chính vì vậy, khối ngoại vẫn vào dòng tiền đều nhưng không có đột biến. Bên cạnh đó, dòng tiền trong nước cũng yếu. 

Ông Đức cho rằng, dòng tiền yếu thể hiện sự e ngại của giới đầu tư. Thực tế, các doanh nghiệp đưa ra mục tiêu doanh thu và lợi nhuận kỳ vọng năm 2019 thấp hơn năm 2018, đặc biệt là nhóm ngành ngân hàng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thị trường không thu hút được dòng tiền. Bên cạnh đó, doanh thu không cao khiến bản thân doanh nghiệp cũng hạn chế tham gia mua, bán cổ phiếu. 

Theo ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), nếu nhìn vào giai đoạn đầu tháng 1 cho đến hết tháng 3 thị trường vẫn là xu hướng tăng, đặc biệt giai đoạn sau Tết Nguyên đán thị trường tăng rất mạnh, nhưng khoảng cuối nửa tháng 3 cho đến đầu tháng 4, thị trường suy yếu với thanh khoản sụt giảm. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng và bán ròng xen kẽ nhưng gần đây khối này lại gia tăng bán ròng nhiều hơn. 

Lý giải về việc thị trường chứng khoán thế giới rất tích cực, nhưng thị trường Việt Nam tăng yếu ớt, ông Khánh cho rằng, tăng trưởng GDP Quý I/2019 mặc dù vẫn tương đối cao, đạt 6,79% nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2018, có nghĩa là mức tăng trưởng vẫn tốt nhưng vẫn không được như mong đợi. Vì vậy kỳ vọng vào thị trường của giới đầu tư có xu hướng giảm đi, dòng tiền giải ngân vào thị trường cũng suy giảm theo. Cùng với đó là xu hướng bán ròng trở lại trong thời gian gần đây của khối ngoại đã gây áp lực lớn lên thị trường. 

Không chỉ vậy, thị trường cũng chịu áp lực lớn từ thông tin về việc nâng hạng. Theo nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC, trong đợt đánh giá bán niên vào cuối tháng 3 của tổ chức xếp hạng FTSE vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ở trong danh sách theo dõi nâng hạng từ Cận biên lên Mới nổi thứ cấp cùng với 2 quốc gia khác là Achentina và Rumani. Tuy nhiên, Việt Nam bị FTSE hạ bậc 3 tiêu chí; trong đó, có 1 tiêu chí bắt buộc đối với thị trường Mới nổi thứ cấp. Đây là kết quả có phần gây thất vọng khi Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ 9 tiêu chí thăng hạng trong kỳ review tháng 9 năm ngoái. 

*Cần cú hích 

Theo ông Nguyễn Việt Đức, Quý II, những rủi ro sẽ hiện ra bởi thị trường chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng nhất định từ lực chốt lời tại thị trường chứng khoán Mỹ sẽ gia tăng. 

Thực tế, trung bình mỗi năm thị trường chứng khoán Mỹ chỉ tăng trưởng từ 8 - 9%, nhưng Quý I/2019 thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng hơn 20% nên khả năng cao thị trường sẽ gặp lực chốt lời mạnh trong Quý II. 

Bên cạnh đó, những yếu tố tích cực như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ ổn định lãi suất, câu chuyện Mỹ và Trung Quốc đi đến đàm phán đã phản ánh hết vào giá cổ phiếu trong Quý I. Điều này càng củng cố thêm khả năng các thị trường chứng khoán trên thế giới sẽ phải đối diện với áp lực chốt lời ngày càng lớn.

Thị trường chứng khoán thế giới không tích cực rõ ràng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Hơn nữa, thị trường chứng khoán Quý II bị ảnh hưởng rất nhiều bởi đại hội cổ đông diễn ra từ tháng 4. Thực tế năm nay doanh nghiệp rất thận trọng trong các kế hoạch kinh doanh, vì vậy chưa thể kỳ vọng nhiều vào mùa đại hội cổ đông. 

Mới đây, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard&Poor’s (S&P) nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn đối với Việt Nam từ mức BB- lên BB, xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn ở B với triển vọng “ổn định”. 

Ông Nguyễn Việt Đức cho rằng, việc nâng hạng này cho thấy kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang tốt lên và nhà đầu tư sẽ còn kỳ vọng trong dài hạn, thị trường Việt Nam vẫn diễn biến tích cực. 

Tuy nhiên có 2 câu chuyện nâng hạng, nâng hạng về kinh tế vĩ mô và nâng hạng về thị trường chứng khoán. Câu chuyện FTSE hạ bậc 3 tiêu chí của thị trường chứng khoán Việt Nam; trong đó, có 1 tiêu chí bắt buộc đối với thị trường Mới nổi thứ cấp cho thấy sức ép cải cách thị trường chứng khoán để tương thích với sự phát triển của nền kinh tế. 

Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng, Quý II sẽ phụ thuộc vào báo cáo kết quả kinh doanh Quý I. Liệu đây có thể là lực đẩy giúp thị trường qua được mốc 1.000 điểm hay không? 

Trong Quý I, VN-Index dù nhiều thời điểm vượt qua ngưỡng 1.000 điểm, nhưng sau đó áp lực bán lại dâng cao và mốc 1.000 điểm vẫn là ngưỡng thử thách mạnh trong vòng một tháng qua. Do vậy, rất cần có một "cú hích" để xóa tan tâm lý e ngại của nhà đầu tư, từ đó thị trường mới có cơ hội bứt lên, ông Khánh nhận định. 

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, việc VN-Index có bứt lên được hay không, phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2019 và tình hình kinh tế thế giới. Ví dụ như kết quả của đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc. Những căng thẳng thương mại trên thế giới diễn biến ra sao? 

Theo ông Khánh, dù thông tin về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã phản ánh khá nhiều vào giá cổ phiếu nhưng những thông tin tích cực của cuộc đàm phán sẽ vẫn có hiệu ứng tốt để tăng niềm tin của nhà đầu tư. Từ đó kích hoạt dòng vốn ngoại chảy vào thị trường. Ít nhất là về mặt tâm lý của nhà đầu tư sẽ được để cải thiện. 

“Tuy nhiên, đây là câu chuyện của “hàng xóm”, chuyện mấu chốt là chính sách cần cải thiện nhanh hơn nữa. Chúng ta đã có nỗ lực nhiều nhưng vẫn chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của các thị trường chứng khoán trong khu vực”, ông Khánh nói. 

Ông khánh cũng cho rằng, nếu nhìn vào thị trường thì có thể thấy nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng mạnh hơn cổ phiếu vốn hóa lớn. Điều này không thực sự tích cực cho thị trường. 

Theo nhóm phân tích đến từ VDSC, sau phiên giảm mạnh vào ngày đáo hạn hợp đồng tương lai (28/2) và chạm vùng hỗ trợ 960 điểm, chỉ số VN-Index đã có 2 tuần hồi phục với thanh khoản cao trước khi quay đầu điều chỉnh với thanh khoản nhỏ giọt trong nửa cuối tháng 3. Thiếu vắng lực đỡ từ khối ngoại, nhóm vốn hóa lớn chịu áp lực điều chỉnh mạnh nhất. Trong rổ VN30, có tới 16 mã giảm điểm trong tháng 3, so với chỉ 6 mã trong tháng 2. 

Trong tháng 3, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ là điểm sáng của thị trường trong khi chỉ số VNSML-Index tăng tới 5,4%, so với mức giảm lần lượt 0,5% và 1,2% của VN30-Index và VNMid-Index. 

Đứng trước áp lực bán mạnh tại các cổ phiếu vốn hóa lớn, có vẻ như nhà đầu tư cá nhân đang tạm lánh sang các cổ phiếu penny để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn, nhóm phân tích đến từ VDSC nhận định./.

Chuyên đề