Bước đi thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ

(BĐT) - Tối muộn ngày 27/5/2016, tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng chính thức ký ban hành Thông tư số 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN và Thông tư số 07/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015-NHNN. Đây không phải lần đầu tiên những quyết định quan trọng của NHNN được đưa ra vào ngày cuối tuần làm việc.
Các doanh nghiệp bất động sản chưa có lý do để vui mừng. Ảnh: Gia Khoa
Các doanh nghiệp bất động sản chưa có lý do để vui mừng. Ảnh: Gia Khoa

Thông tư 06 - bất động sản có vui quá sớm?

Có 3 điểm đáng chú ý mà Thông tư 06 điều chỉnh, bổ sung Thông tư 36. Thứ nhất, điều chỉnh hệ số rủi ro của các khoản cho vay kinh doanh bất động sản lên tới mức 200% từ thời điểm 1/1/2017. Trước đây, tỷ lệ được đưa ra là 250%.

Thứ hai, đề ra lộ trình cho tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn “giãn” dần, giữ nguyên mức 60% cho đến hết năm nay, rồi giảm dần đến mức 40% vào năm 2018.

Và thứ ba là tăng tỷ lệ mua/đầu tư trái phiếu chính phủ (TPCP) so với nguồn vốn ngắn hạn bình quân của tháng liền kề trước của tổ chức tín dụng (TCTD) từ 15% lên 35% (đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và lên 25% (với ngân hàng thương mại trong nước).

Nhìn chung, những điều chỉnh nói trên được đánh giá là giúp thị trường dễ thở hơn sau những quy định thắt chặt trước kia. Mặc dù là sự điều chỉnh phù hợp hơn so với trước, con số 200% cũng khiến không ít người băn khoăn. Trên thực tế, khi cho vay kinh doanh bất động sản, bản thân các nhà băng đã rất thận trọng, đòi hỏi khắt khe về tài sản bảo đảm.

 Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, hệ số rủi ro ngoài việc căn cứ vào ngành nghề, còn nên căn cứ vào các khoản vay. Quy định 200% đối với tất cả các khoản cho vay bất động sản mà không căn cứ vào mức độ rủi ro thực tế (tài sản bảo đảm, mức độ tín nhiệm của khách hàng…) của các khoản vay là chưa thực sự phù hợp.

Trong khi quy định về việc hạn chế lưu hành ngoại tệ trong nền kinh tế vẫn chưa hết ồn ào, NHNN đã ban hành Thông thư 07 với nội dung chính là cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu được vay vốn bằng ngoại tệ từ 1/6/2016
Về việc đưa ra con số 200%, ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính thuộc Học viện Tài chính cho rằng, ngay cả khi có số liệu để tính toán thì cũng không dễ để đưa ra mô hình và “chạy” ra một con số cụ thể như vậy. NHNN có những đánh giá của họ, và việc đưa ra con số chính xác ngay từ đầu là rất khó, buộc phải điều chỉnh dần dần căn cứ vào phản ứng của thị trường…

Ông Phạm Thế Anh cho rằng, Thông tư 36 và Thông tư 06 sửa đổi đang có xu hướng khuyến khích các TCTD mua và nắm giữ TPCP. Và một khi chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục nắn dòng tiền vào khu vực chính phủ thì đừng mong lãi suất giảm. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Độ nhận định, việc ban hành Thông tư 06 sẽ không tác động nhiều đến lãi suất. Việc các TCTD mua TPCP không chỉ vì những quy định, điều chỉnh từ phía NHNN, mà đơn giản vì việc cho vay chưa thực sự khả quan.

Với những phân tích nói trên, rõ ràng các doanh nghiệp bất động sản chưa có lý do để vui mừng và kỳ vọng nhiều trước những tín hiệu từ NHNN.

Thông tư 07 - đằng sau sự sửa đổi vội vã

Trong khi quy định về việc hạn chế lưu hành ngoại tệ trong nền kinh tế vẫn chưa hết ồn ào, NHNN đã ban hành Thông thư 07 với nội dung chính là cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu được vay vốn bằng ngoại tệ từ 1/6/2016. Trước đó, các doanh nghiệp không được phép vay vốn bằng ngoại tệ kể từ ngày 1/4/2016, khi NHNN nhận định tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn và coi đây là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

“Cái áo” vừa mặc trong vòng 2 tháng có vẻ như đã quá chật. Trong 2 tháng đó, khách quan mà nói, tình hình kinh tế - xã hội không có quá nhiều biến động, lại càng không phải bất ngờ trở nên xấu đi để người ta lật ngược lại một chính sách.

Ông Phạm Thế Anh cho rằng, nếu nền kinh tế thực sự khó khăn như tuyên bố, thì chính sách nới lỏng đối với tín dụng nội tệ phải được sử dụng trước tiên chứ không phải là ngoại tệ. Việc ban hành Thông tư 07 là động thái lắng nghe thị trường hay thừa nhận chính sách cũ là không phù hợp, cuối cùng cũng không quan trọng bằng việc NHNN đã bước đầu có những điều chỉnh hợp lý hơn. Người ta có quyền kỳ vọng quy định lãi suất tiền gửi ngoại tệ bằng 0 hiện tại sẽ được gỡ bỏ trong thời gian tới.

Chuyên đề