Bộ trưởng Tài chính: Tránh để chứng khoán quá nóng, quá lạnh

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán đảm bảo quan hệ cung cầu để tránh tình trạng thị trường quá thăng hoa hoặc quá ảm đạm.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh cồng đầu năm tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh cồng đầu năm tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM.

Phát biểu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) trong nghi thức đánh cồng đầu năm Mậu Tuất, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng sự bùng nổ của chứng khoán năm 2017 đến từ một số yếu tố chính như kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định, công tác cổ phần hóa thu về 125.400 tỷ đồng thúc đẩy dòng vốn ngoại chảy mạnh vào thị trường…

Người đứng đầu Bộ Tài chính đánh giá cao việc thị trường tiếp tục duy trì đà tăng trưởng hưng phấn trong những phiên đầu năm mới và xác lập kỷ lục 11 năm cho chứng khoán Việt Nam khi mốc 1.000 điểm lần đầu trở lại kể từ sau đợt khủng hoảng năm 2007. Tuy nhiên, ông đề nghị đơn vị quản lý thị trường chứng khoán Việt Nam gác lại niềm vui này và tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng nhằm mục tiêu nâng hạng thị trường trong những năm tới.

“Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải đảm bảo hài hòa quan hệ cung cầu, tránh cho thị trường rơi vào tình trạng quá nóng hoặc quá lạnh”, ông Dũng nói và cho biết thêm giải pháp để đảm bảo “nguồn hàng” ổn định cho thị trường là kiên quyết xử lý các doanh nghiệp cổ phần hóa né tránh niêm yết, đồng thời tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư, hỗ trợ các kênh dẫn vốn ngân hàng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị đơn vị quản lý thị trường, các sở giao dịch và công ty chứng khoán nghiên cứu và góp ý sửa đổi Luật Chứng khoán nhằm đồng bộ với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mang đến cho doanh nghiệp môi trường kinh doanh minh bạch, sử dụng và luân chuyển vốn hiệu quả; triển khai các sản phẩm mới theo thông lệ quốc tế và chủ động thanh tra, xử lý các trường hợp thao túng cổ phiếu nhằm đảm bảo lòng tin nhà đầu tư.

Nhắc lại về sự cố lỗi từ phần mềm khớp lệnh khiến sàn TP HCM đóng cửa hai ngày, ông Dũng yêu cầu ngành chứng khoán cải thiện công tác quản lý và điều hành thị trường để kịp thời ứng phó với các sự cố phát sinh do tác động của kinh tế trong nước và thế giới.

Năm ngoái, VN-Index chốt phiên giao dịch cuối cùng ở mức 884 điểm, tăng gần 48% so với thời điểm đầu năm. Thanh khoản thị trường năm ngoái cũng được cải thiện đáng kể, ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng mỗi phiên. Tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu đạt trên 70% GDP và vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra cho ngành chứng khoán trong ba năm tới.

Sau 18 năm hoạt động, toàn thị trường có 737 doanh nghiệp niêm yết. Cấu trúc thị trường về cơ bản hoàn thiện theo chuẩn quốc tế khi có đủ cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh.

Chuyên đề