Bỏ điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, tại sao không?

(BĐT) - Loại bỏ “kinh doanh dịch vụ mua bán nợ” ra khỏi nhóm ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được cho là phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư năm 2014 và góp phần tạo điều kiện để có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường này. 
Dịch vụ mua bán nợ có thể dưới các hình thức: dịch vụ môi giới mua bán nợ, dịch vụ sàn giao dịch mua bán nợ và dịch vụ tư vấn mua bán nợ… Ảnh: Tiên Giang
Dịch vụ mua bán nợ có thể dưới các hình thức: dịch vụ môi giới mua bán nợ, dịch vụ sàn giao dịch mua bán nợ và dịch vụ tư vấn mua bán nợ… Ảnh: Tiên Giang

Khi hành lang pháp lý đã thông thoáng, để thị trường này phát triển có chất lượng, cần sự năng nổ của chính các chủ thể tham gia thị trường.

Chỉ là giao dịch dân sự thông thường

Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là một trong 22 ngành, nghề đầu tư kinh doanh được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất loại khỏi danh sách các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Theo Ban soạn thảo Dự thảo Luật, dịch vụ mua bán nợ chỉ là dịch vụ hỗ trợ, thúc đẩy các giao dịch mua bán nợ. Kết quả của giao dịch mua bán nợ không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ hay khoản nợ mà chỉ thay đổi chủ thể thực hiện nghĩa vụ đó.

Như vậy, việc thực hiện giao dịch mua bán nợ cũng như kinh doanh dịch vụ mua bán nợ chỉ liên quan tới các chủ thể tham gia; không đáp ứng tiêu chí về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Khoản 1, Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014.

Đồng tình với quan điểm này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law cho rằng, cơ sở để các nhà làm luật quy định về điều kiện kinh doanh đối với một ngành nghề cụ thể là “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”.

Như vậy, theo quy định này, Nhà nước chỉ kiểm soát thông qua các điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề (toàn bộ hoặc một phần các hoạt động trong ngành nghề) mà hoạt động của chúng có thể ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng ở mức đáng kể. Trong khi đó, hoạt động mua bán nợ và dịch vụ mua bán nợ lại không ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng.

Hiện nay, chưa có một lập luận, quan điểm rõ ràng, thuyết phục nào liên hệ giữa hoạt động kinh doanh này với những mục tiêu công cộng cần phải bảo vệ thông qua các điều kiện kinh doanh.

Ngoài ra, theo ông Hà, ngành nghề Luật Đầu tư hiện tại quy định áp dụng điều kiện kinh doanh là “dịch vụ mua bán nợ”, chứ không phải hoạt động mua bán nợ.

Dịch vụ mua bán nợ ở đây có thể dưới các hình thức: dịch vụ môi giới mua bán nợ, dịch vụ sàn giao dịch mua bán nợ và dịch vụ tư vấn mua bán nợ…

Bản thân các dịch vụ này chỉ giúp hỗ trợ cho giao dịch mua bán nợ, và khi giao dịch mua bán nợ không ảnh hưởng gì tới lợi ích công cộng thì các dịch vụ hỗ trợ giao dịch mua bán nợ cũng không có khả năng tác động tới các lợi ích công cộng. 

Cần sự đồng lòng phát triển thị trường

Bên cạnh tính tương thích với quy định tại Luật Đầu tư, việc bỏ các điều kiện với kinh doanh dịch vụ mua bán nợ cũng sẽ tạo điều kiện để có thêm nhiều chủ thể tham gia, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường.

Để thị trường mua bán nợ phát triển tốt với những doanh nghiệp có chất lượng, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, việc ban hành một hành lang pháp lý thông thoáng, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là điều kiện cần để có những doanh nghiệp có chất lượng.

“Trong khi đó, điều kiện đủ để có những doanh nghiệp tốt, góp phần xử lý hiệu quả nợ xấu là sự thành lập của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này, qua quá trình sàng lọc trong thị trường nhiều tiềm năng hiện nay, sẽ hình thành và định hình các doanh nghiệp có uy tín và chất lượng”, ông Hà nói.

Về khía cạnh quản lý nhà nước, theo ông Hà, nếu điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ được gỡ bỏ, vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường mua bán nợ cũng sẽ phần nào giảm bớt, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, để hoạt động hiệu quả, bản thân doanh nghiệp trước hết cần đề cao vai trò, tập trung hoàn thiện yếu tố quản trị nội bộ, minh bạch hóa trong hoạt động và thu hút được nhiều nguồn lực của xã hội.

Việc mở cửa thị trường cho những doanh nghiệp có kinh nghiệm của nước ngoài tham gia cũng là một giải pháp cần tính tới để có nhiều doanh nghiệp chất lượng.

“Bản thân nhà đầu tư sẽ là người quyết định trong việc xây dựng doanh nghiệp có chất lượng. Trong hoạt động, doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý về việc áp dụng công nghệ, học kinh nghiệm nước ngoài trong vấn đề thẩm định khoản nợ, nghiên cứu các cơ chế phối hợp xử lý nợ, đặc biệt là các khoản nợ xấu với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, công ty mua bán nợ khác”, ông Hà nhấn mạnh.

Chuyên đề