Bán vốn nhà nước tại Vận tải biển Đông Long có thành công?

(BĐT) - Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đang chào bán phần vốn góp trị giá hơn 45,6 tỷ đồng tại Công ty TNHH Vận tải biển Đông Long (VTB Đông Long). Mặc dù VTB Đông Long đang làm ăn hết sức bết bát, chủ sở hữu vẫn kỳ vọng bán phần vốn này với giá hơn 118 tỷ đồng. 
Đại học Hàng hải rao bán toàn bộ vốn góp tại VTB Đông Long với giá từ 118,3 tỷ đồng. Ảnh: Internet
Đại học Hàng hải rao bán toàn bộ vốn góp tại VTB Đông Long với giá từ 118,3 tỷ đồng. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, bản công bố thông tin của doanh nghiệp này không cho thấy sức hấp dẫn và khó có thể chào bán thành công.

Sức cạnh tranh yếu

Theo bản công bố thông tin, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đang sở hữu 70% vốn điều lệ của Công ty TNHH Vận tải biển Đông Long tính đến thời điểm ngày 30/11/2017, tương ứng 45,6 tỷ đồng. 30% còn lại thuộc về Công ty Transocean Shipping Corp - một pháp nhân đến từ nước Cộng hòa Seychelles.

VTB Đông Long kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa trên biển theo các hợp đồng vận chuyển theo chuyến. Doanh nghiệp này được hình thành trên cơ sở góp vốn giữa Công ty VTB Thăng Long (trực thuộc Trường Đại học Hàng hải Việt Nam) và Công ty VTB Kamchatka (Liên Xô). Năm 2003, Công ty VTB Kamchatka chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho Công ty Transocean Cargo Lines (Australia) và vào năm 2009, Công ty Transocean Cargo Lines đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn này cho Công ty Transocean Shipping Corp.

VTB Đông Long đang quản lý và sử dụng 3 tàu vận tải. Doanh thu thuần của VTB Đông Long hoàn toàn đến từ các hợp đồng vận chuyển hàng hóa trên biển với lợi nhuận gộp của các tàu mang lại không cao, chủ yếu do các tàu vận chuyển đã tương đối cũ, chi phí vận hành lớn, đặc biệt là chi phí duy trì tàu Hoa Nam (do tàu này đã cũ, chi phí nhiên - nguyên vật liệu nhiều).

Trong khi đó, Công ty không có nhiều khách hàng truyền thống. Các hợp đồng vận tải chủ yếu thông qua môi giới, đến các nước như Nga, Trung Quốc và khu vực Trung Đông. Ngoài ra, đội tàu của VTB Đông Long gần 10 năm nay đã không thể tham gia vào thị trường vận tải biển nội địa do không thể cạnh tranh với các đội tàu trong nước về mặt cước phí… Đây là những nguyên nhân khiến thị trường kinh doanh và tình hình cạnh tranh của VTB Đông Long năm 2017 và dự đoán những năm tiếp theo không mấy khả quan.

Làm ăn bết bát

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2016, tổng doanh thu thuần của Công ty TNHH VTB Đông Long đạt 5,7 tỷ đồng, giảm so với 7,2 tỷ đồng năm 2015. Tuy nhiên, giá vốn lại lên tới 5,4 tỷ đồng làm cho lợi nhuận gộp chỉ vỏn vẹn 0,29 tỷ đồng. Trừ đi các khoản chi phí khác, năm 2016, Công ty lỗ hơn 1 tỷ đồng, trong khi đó lợi nhuận năm 2015 đạt 0,78 tỷ đồng.

Thua lỗ hơn 1 tỷ đồng năm 2016, VTB Đông Long cũng đặt kế hoạch kinh doanh lỗ cho cả giai đoạn 2017 - 2020. Với triển vọng kinh doanh không mấy khả quan, thương vụ thoái vốn tại VTB Đông Long khó đạt được mức giá kỳ vọng.
Theo dự báo, tình hình cạnh tranh và thị trường trong nước giai đoạn 2018 - 2020 hết sức khó khăn cho hoạt động của VTB Đông Long. Tại thời điểm cuối năm 2017, Công ty chỉ còn quản lý và khai thác 2 tàu vận tải và khả năng sẽ vẫn chưa thể tham gia vào thị trường trong nước do không cạnh tranh được. Do đó, việc duy trì mức phí vận chuyển thấp tại thị trường nước ngoài để đảm bảo lượng khách hàng ký hợp đồng sẽ tạo áp lực trong việc bù đắp chi phí duy tu, sửa chữa, bảo trì tàu và các chi phí khác cho hoạt động của Công ty.

Từ những dự báo không mấy khả quan nêu trên, VTB Đông Long đã đặt kế hoạch kinh doanh lỗ cho giai đoạn 2017 - 2020. (Xem bảng)

Tại thời điểm cuối năm 2016, tổng tài sản của Công ty đạt 8,3 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm 11%.

Chuyên đề