Băn khoăn về quyền thu giữ tài sản đảm bảo xử lý nợ xấu

(BĐT) - Thảo luận lần 2 tại Hội trường về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đa số đại biểu Quốc hội quan tâm đến thời hiệu xác định khoản nợ xấu và quyền thu giữ tài sản đảm bảo.
Dù ngành ngân hàng đã nỗ lực nhưng nợ xấu vẫn tiềm ẩn và hiện còn gần 600.000 tỷ đồng, tương đương 10,08% tổng dư nợ, đang cần xử lý. Ảnh: Lê Tiên
Dù ngành ngân hàng đã nỗ lực nhưng nợ xấu vẫn tiềm ẩn và hiện còn gần 600.000 tỷ đồng, tương đương 10,08% tổng dư nợ, đang cần xử lý. Ảnh: Lê Tiên

Còn ý kiến khác nhau

Trong lần thảo luận này, Quốc hội xin ý kiến các đại biểu về 2 phương án của nợ xấu. Theo đó, nợ xấu quy định tại nghị quyết này là các khoản nợ quy định tại Phụ lục về xác định nợ xấu của Nghị quyết (Phương án 1). Hoặc nợ xấu là các khoản nợ quy định tại Phụ lục về xác định nợ xấu của Nghị quyết và có dư nợ tại thời điểm ngày 31/12/2016 (Phương án 2).

Đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) phân tích, có 2 điều kiện cần và đủ để phát sinh nợ xấu. Điều kiện cần là phải phát sinh nợ, điều kiện đủ là khi phân loại thì rơi vào nhóm nợ 3, 4, 5. Trong khi đó, thời điểm phát sinh nợ và thời điểm phân loại nợ để xác định nợ có phải là nợ xấu hay không là khác nhau. Cần phải thừa nhận nợ xấu là một phần tất yếu trong hoạt động tín dụng, do vậy nợ phát sinh sau ngày 31/12, thậm chí phát sinh sau ngày Nghị quyết có hiệu lực thì có một tỷ lệ sẽ trở thành nợ xấu.

Từ phân tích trên, đại biểu Hải bày tỏ quan điểm đồng thuận với quy định theo Phương án 1 và không phân biệt phát sinh nợ khi nào để tránh việc cùng là nợ xấu nhưng lại có nhiều cách xử lý khác nhau.

Cũng đồng thuận với phương án này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) khẳng định quan điểm đã là nợ xấu thì nợ trước thời điểm ngày 31/12/2016 hay sau thời điểm đó đều là nợ xấu. Nếu nợ xấu sau năm 2016 không được xử lý theo Nghị quyết thì sẽ phải xử lý theo quy định nào? - đại biểu Phương bày tỏ băn khoăn.

Có quan điểm khác, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) lại cho rằng, do Nghị quyết đang ở mức quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng nên phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết cần có thời gian kiểm nghiệm chính sách mới. Nghị quyết là giải pháp để giải quyết tình huống đặc thù về nợ xấu trong giai đoạn trước đây, nên cần giới hạn lại phạm vi, chỉ xử lý đối với các khoản nợ xấu tính đến ngày 31/12/2016 (theo Phương án 2). “Đối với các khoản nợ khác, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng phải nâng cao trách nhiệm trong quan hệ tín dụng để giảm thiểu khả năng phát sinh nợ xấu và tự xử lý nợ xấu phát sinh theo các quy định của pháp luật” – ông Minh đề xuất. 

Băn khoăn về quyền thu giữ tài sản đảm bảo

Là điều khoản quan trọng nhất của Nghị quyết, quyền thu giữ tài sản được quy định tại Điều 7 nhận được nhiều ý kiến góp ý.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho biết, trong giải trình, tiếp thu của cơ quan soạn thảo chỉ nêu được một phần là trường hợp xảy ra tranh chấp giữa tổ chức tín dụng và người vay. Tuy nhiên, trong thực tiễn sẽ có trường hợp không chỉ tranh chấp giữa tổ chức tín dụng và người vay, mà là người vay hoặc những người liên quan như người đồng sở hữu, người thừa kế, người đang thuê tài sản sẽ đề nghị xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức tín dụng trong quá trình thu giữ, xử lý tài sản đảm bảo. “Đối chiếu với pháp luật dân sự hiện hành, tôi thấy xử lý vấn đề này chưa được quy định một cách đầy đủ và rõ ràng” – đại biểu Trang nhận xét.

Đồng thuận với đại biểu Trang, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) bày tỏ, việc xử lý tín dụng thông qua thu giữ tài sản đảm bảo là một việc cần thiết để tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng ngân hàng và bảo đảm quyền lợi của Nhà nước. “Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên và mọi hợp đồng đều thu giữ thì chưa hợp lý. Trước hết, cần xác định hợp đồng đó có hiệu lực hay không? Nếu hợp đồng vô hiệu lực mà vẫn thu giữ tài sản thì không thể bảo đảm quyền lợi pháp luật” – đại biểu Bình tranh luận.

Giải trình trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho rằng: “Dự thảo Nghị quyết đã thể hiện rõ trường hợp tài sản bảo đảm có tranh chấp hoặc đang bị kê biên trong các vụ án hình sự thì không áp dụng việc thu giữ tài sản đảm bảo. Với các tài sản có tranh chấp phải thực hiện theo các quy định rất chặt chẽ, được nêu trong Dự thảo Nghị quyết. Về các hành vi vi phạm thì đã có đủ các quy định hiện hành để xử lý trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo”.

Chuyên đề