Áp dụng hoá đơn điện tử để tránh thất thu thuế

(BĐT) - Doanh nghiệp và hộ kinh doanh có 24 tháng để chuẩn bị chuyển sang thực hiện hoá đơn điện tử, chú trọng quản lý các hộ kinh doanh lớn để tránh thất thu thuế là thông điệp của cơ quan thuế khi thực hiện hoá đơn điện tử theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP.
Việc kết nối máy tính tiền của hộ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc, hàng tiêu dùng… với cơ quan thuế nhằm mục đích quản lý thuế tốt hơn
Việc kết nối máy tính tiền của hộ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc, hàng tiêu dùng… với cơ quan thuế nhằm mục đích quản lý thuế tốt hơn

Hoàn thành sử dụng hoá đơn điện tử trước ngày 1/11/2020

Tại cuộc họp báo chuyên đề ngày 19/10, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Nghị định 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 quy định về hoá đơn điện tử có hiệu lực từ ngày 1/11/2018. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi từ hoá đơn giấy truyền thống sang hoá đơn điện tử, Nghị định 119 quy định thời hạn 24 tháng từ ngày 1/11/2018 đến 1/11/2020 để doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và con người cho việc áp dụng hoá đơn điện tử.

Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành hoá đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế hoặc đã đăng ký áp dụng hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế trước ngày 1/11/2018 thì được tiếp tục sử dụng hoá đơn đặt in, hoá đơn tự in, hoá đơn đã mua đến hết ngày 31/10/2018 và vẫn thực hiện các thủ tục về hoá đơn theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP.

Đáng chú ý, Nghị định 119 quy định, hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp, xây dựng hoặc có doanh thu năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ phải sử dụng hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ.

Nói rõ hơn về điều này, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế thuộc Tổng cục Thuế nhấn mạnh: “Đây là các hộ kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện để lên thành doanh nghiệp, song không lên thì áp dụng chế độ kế toán như doanh nghiệp. Còn các hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc tân dược, bán lẻ hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng tại một số địa bàn có điều kiện thuận lợi thì triển khai thí điểm hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế từ năm 2018”.

Theo ông Huy, việc các hộ trên phải có máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế sẽ được thí điểm từ năm nay ở những địa phương có điều kiện hạ tầng phát triển như trung tâm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... với mục đích quản lý thuế tốt hơn qua việc nắm được doanh số bán hàng.

“Thực tế hiện nay, cơ quan thuế chưa quản lý được doanh thu của các cơ sở kinh doanh này. Còn việc đầu tư máy tính tiền, như đối với các nhà thuốc, hiện nay theo quy định của Bộ Y tế, các cơ sở bán lẻ thuốc phải có kết nối dữ liệu với sở y tế địa phương, với Bộ Y tế, tùy theo cấp quản lý. Do đó, việc quy định máy tính tiền của các cơ sở bán thuốc tân dược cũng phải kết nối với cơ quan thuế là để đảm bảo quản lý đồng bộ”, ông Huy nhấn mạnh. 

Khoảng 150 nghìn hộ kinh doanh vào “tầm ngắm”

Trước câu hỏi về việc nhiều hộ kinh doanh phải thực hiện hóa đơn điện tử trong khi nhiều hộ khác lại không thực hiện, bà Tạ Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân thuộc Tổng cục Thuế cho biết, điểm rõ nét nhất tại Nghị định 119 là phân loại nhóm hộ để quản lý chặt chẽ hơn. Cụ thể, khoảng 7 - 10% hộ kinh doanh lớn trong tổng số 1,7 triệu hộ kinh doanh hiện nay sẽ thuộc diện phải có hoá đơn điện tử.

“Thực tế, đây là nhóm hộ đã đủ điều kiện nhưng chưa muốn trở thành doanh nghiệp nên cần được quản lý như doanh nghiệp để tránh thất thu thuế. Cần hiểu là  không phải tất cả hộ, tiểu thương kinh doanh sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử”, bà Lan nói và cho biết thêm: “Để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, về cơ bản, những hộ, tiểu thương đang nộp thuế khoán sẽ không thuộc đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử. Như vậy, những tiểu thương bán rau, bán thịt ở chợ dân sinh, hay bán quần áo, giày dép, hay nói chung người kinh doanh nhỏ lẻ ở phố sẽ không phải xuất hóa đơn điện tử cho khách. Trường hợp còn lại, các hộ, cá nhân kinh doanh không đáp ứng điều kiện phải sử dụng hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế nhưng cần có hoá đơn để giao cho khách hàng thì được cơ quan thuế cấp hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh và phải khai, nộp thuế trước khi cơ quan thuế cấp hoá đơn điện tử”.

Chuyên đề