10 công ty cho vay ngang hàng “gốc” Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam

(BĐT) - Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 40 công ty cho vay ngang hàng (P2P lending) đang hoạt động tại Việt Nam, có 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số công ty từ Indonesia và Singapore.
Đã xuất hiện những hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật tại một số doanh nghiệp cho vay ngang hàng. Ảnh minh họa: Internet
Đã xuất hiện những hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật tại một số doanh nghiệp cho vay ngang hàng. Ảnh minh họa: Internet

Đáng chú ý, một số công ty trong số 40 doanh nghiệp này đã xuất hiện những hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước đề nghị Chính phủ ban hành một nghị quyết để cho chủ trương thực hiện và Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cho phép thí điểm thực hiện để có thể tiến tới tổng kết, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý loại hình kinh doanh này.

Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về cho vay ngang hàng ngày 6/3, lãnh đạo các bộ: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Tư pháp khẳng định, pháp luật Việt Nam chưa quy định và cũng không cấm P2P lending, đồng thời thống nhất phải có khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản lý. Ngoài ra, đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan Nhà nước cấp phép.

Theo các cơ quan này, đây là xu hướng mới và sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai tại Việt Nam vì những lợi ích và tiện ích mang lại cho các bên liên quan. Các cơ quan này cũng cho rằng, cần nhanh chóng tiếp cận và sớm quản lý các dạng thức của P2P lending, đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các bộ nghiên cứu để cho phép cả các công ty tài chính cũng có thể tham gia mô hình này.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trước mắt nên quản lý trong phạm vi P2P lending kết nối trực tiếp người vay với người cho vay như phần lớn các công ty đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay, và chưa mở rộng cho sự tham gia của các tổ chức tài chính, đồng thời không cho phép các công ty P2P lending được quyền huy động vốn để cho vay.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với kiến nghị của các bộ, ngành, cho rằng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng cần quy định về phương thức hoạt động truyền thống của P2P lending, kết nối trực tiếp người vay với người cho vay, đồng thời xem xét việc mở rộng sự tham gia của các tổ chức tài chính.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Dự thảo Quyết định thể hiện rõ quan điểm Nhà nước nghiêm cấm và sẽ xử lý nghiêm các hành vi biến tướng của mô hình kinh doanh mới này.

Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đánh giá rõ hơn thực trạng hoạt động của 40 công ty P2P lending ở Việt Nam và giao Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chủ trì soạn thảo Quyết định của Thủ tướng, bao gồm các nội dung cơ bản về khuôn khổ quản lý rủi ro, thanh tra, kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của từng bộ, ngành liên quan.

Chuyên đề