Tác động “hai chiều” từ giá dầu giảm sâu

(BĐT) - Nhu cầu về dầu tê liệt do dịch Covid-19 khiến giá dầu thế giới “lao dốc” trong thời gian qua, thậm chí giá dầu giao tháng 5 có lúc xuống mức âm 40 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 20/4. Với kinh tế Việt Nam, giá dầu ở mức thấp có cả yếu tố tiêu cực và tích cực.
Giá dầu giảm có thể làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ dầu thô nhưng mức tác động không quá lớn. Ảnh: Lê Tiên
Giá dầu giảm có thể làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ dầu thô nhưng mức tác động không quá lớn. Ảnh: Lê Tiên

Dịch Covid-19 gây cú sốc nhu cầu

Phiên giao dịch ngày 20/4, giá dầu thô WTI hợp đồng tháng 5 có thời điểm “rơi” xuống mức âm 40,32 USD mỗi thùng, mức thấp nhất lịch sử từng được ghi nhận. Giá dầu WTI hợp đồng tháng 6 giảm 10% còn 22,54 USD mỗi thùng, hợp đồng tháng 7 giảm 5% còn 28 USD mỗi thùng. Trong khi đó, dầu Brent hợp đồng tháng 6 giảm còn 26,13 USD mỗi thùng.

Theo các nhà phân tích, một trong những lý do kéo giá dầu rớt thê thảm là hợp đồng tương lai tháng 5 hết hạn vào thứ Ba (21/4). Thời điểm này, những người giao dịch đầu cơ sẽ bán mạnh ra hết hợp đồng tháng 5 khiến giá giảm mạnh. Những quy định kỹ thuật của giao dịch hàng hóa phái sinh đã có tác động rất lớn trong trường hợp này.

Về nhu cầu thị trường, dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều quốc gia đóng cửa biên giới để kiểm soát, làm giảm các hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều nền kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu thô và gây ra cú sốc nhu cầu chưa từng có ở các thị trường năng lượng toàn cầu.

Bình luận về xu hướng giá dầu trên thế giới, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính  cho rằng, mức sụt giảm mạnh của giá dầu tháng 5 chỉ mang tính tức thời và chịu tác động của yếu tố đầu cơ, trong khi giá dầu giao tháng 6 vẫn ở mức trên 20 USD/thùng.

“Giá dầu cũng khó có thể giảm thấp hơn nhiều so với mức 20 USD/thùng, bởi đây là ngưỡng để bù đắp chi phí sản xuất và các nước đều có động thái cắt giảm nguồn cung khá mạnh tay để ngăn chặn xu hướng tiếp tục giảm giá, dù vẫn cần có độ trễ nhất định để thấy hiệu quả thực tế của giải pháp giảm cung này”, ông Độ nói. 

Tìm cách giảm thiểu tác động

Về tác động của xu hướng giá dầu giảm đối với kinh tế Việt Nam, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI) đưa ra phân tích từ hai mặt bất lợi và thuận lợi.

Về mặt bất lợi, giá dầu là chỉ báo về nhu cầu năng lượng trong tương lai. Bởi vậy, khi giá dầu thấp cho thấy nguồn cung dầu lớn trong khi cầu thấp, nghĩa là triển vọng phát triển kinh tế rất yếu, nền kinh tế toàn cầu đang thu hẹp. Điều đó ảnh hưởng bất lợi tới kinh tế Việt Nam do phụ thuộc khá lớn vào xuất khẩu, dù mức độ ảnh hưởng có thể được kiềm chế bằng các giải pháp thúc đẩy và hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ.

Ở khía cạnh khác, giá dầu giảm có thể làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ dầu thô. Tuy nhiên, mức tác động không quá lớn bởi thu từ dầu dự kiến chỉ chiếm khoảng 2,3% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2020.

Về mặt thuận lợi, giá dầu thấp sẽ giúp giá cả của hàng hóa, dịch vụ là đầu vào của nền kinh tế cũng ở mức thấp, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời kiềm chế lạm phát dễ dàng hơn. Khi đó, các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế sẽ bớt phải quan ngại với rủi ro lạm phát.

Để giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc giá dầu giảm mạnh, hỗ trợ tích cực cho ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong dài hạn, Viện Nghiên cứu và Đào tạo thuộc Ngân hàng BIDV đưa ra một số kiến nghị.

Theo đó, về hoạt động khai thác dầu, các doanh nghiệp khai thác, lọc hóa dầu cần điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng: giảm hoặc dừng khai thác tại các mỏ dầu có giá thành sản xuất cao hơn mức chi phí khai thác dự kiến trung bình năm 2020 (30 USD/thùng); tăng cường tiết giảm chi phí hoạt động nhằm đối phó với kịch bản giá dầu giảm về mức thấp; rà soát kế hoạch phân bổ vốn đầu tư đối với các dự án dầu, khí.

Về quản lý giá xăng dầu, cơ quan quản lý nên tính toán, điều hành giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu tại Việt Nam ở mức phù hợp, cân bằng hơn với giá tại các nước trong khu vực, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, chế biến xuất khẩu, qua đó có thể đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước.

Từ khía cạnh khác, ông Đinh Tuấn Minh nêu quan điểm: “Không ai có thể biết trước giá dầu sẽ diễn biến như thế nào. Tuy nhiên, đây là lúc cần tính đến việc xây dựng hệ thống dự trữ dầu thô như các quốc gia khác để đảm bảo an ninh năng lượng. Khi có kho dự trữ này, cơ quan quản lý có thể mua vào giá dầu khi giá giảm thấp. Làm được điều này, cơ quan quản lý có thể bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu”.

Chuyên đề