Sức ép lạm phát lớn, kinh tế Trung Quốc cùng lúc đương đầu nhiều thách thức

0:00 / 0:00
0:00
Hàng hoá xuất xưởng ở Trung Quốc đã thiết lập một kỷ lục tăng giá mới vào tháng trước, và người tiêu dùng ở nước này cũng bắt đầu cảm thấy áp lực giá cả leo thang...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Lạm phát đang trở thành một vấn đề khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc “đau đầu”. Không chỉ vậy, giới phân tích cho rằng lạm phát ở nước này còn có thể đẩy cao áp lực giá cả trên toàn cầu.

Hàng hoá xuất xưởng ở Trung Quốc đã thiết lập một kỷ lục tăng giá mới vào tháng trước, và người tiêu dùng ở nước này cũng bắt đầu cảm thấy áp lực giá cả leo thang.

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố ngày 10/11, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc tăng 13,5% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 10,7% ghi nhận trong tháng 9. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ khi Chính phủ Trung Quốc bắt đầu công bố PPI vào giữa thập niên 1990.

Cùng với đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc cũng tăng tốc. CPI tháng 10 tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao gấp đôi mức tăng của tháng trước và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2020.

“Chúng tôi đang cảm thấy lo ngại về tình trạng giá thành sản xuất leo thang kéo theo giá tiêu dùng”, chuyên gia kinh tế trưởng Zhiwei Zhang của Pinpoint Asset Management phát biểu. “Cho tới gần đây, các công ty vẫn cố gắng sử dụng dự trữ đầu vào như một tấm đệm để tránh việc phải đẩy chi phí gia tăng về phía khách hàng. Tuy nhiên, dự trữ đầu vào đó giờ đã bị rút kiệt”.

Tháng 10 đánh dấu lần đầu tiên lạm phát giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng trong 5 tháng trở lại đây. Trước đó, CPI của nước này đã giảm liên tục từ tháng 5. Tuy nhiên, giá năng lượng tăng và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đã bắt đầu đẩy tăng giá hàng hoá khi đến tay người tiêu dùng.

Tuần trước, Bộ Thương mại Trung Quốc ra thông báo đề nghị các chính quyền địa phương khuyến khích người dân dự trữ thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác, trong bối cảnh thời tiết xấu, thiếu năng lượng, và các hạn chế chống Covid-19 có thể gây gián đoạn nguồn cung. Cảnh báo đột ngột này đã khiến nhiều gia đình Trung Quốc hốt hoảng đổ đi siêu thị gom hàng.

Nhà chức trách Trung Quốc cho rằng CPI tháng 10 tăng mạnh là do giá rau và giá khí đốt tăng cao.

Giá rau ở Trung Quốc tăng 16% trong tháng 10, chủ yếu do mưa lớn và chi phí vận chuyển tăng – NBS cho hay. Thời tiết cực đoan đã gây mất mùa ở Trung Quốc và giới chức nước này thừa nhận rằng chi phí vận chuyển giữa các vùng miền tăng do các hạn chế nhằm kiểm soát các đợt bùng dịch Covid.

Cũng trong tháng 10, giá xăng dầu ở Trung Quốc tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ đẩy CPI tăng, khủng hoảng năng lượng cũng là một nguyên nhân quan trọng đẩy lạm phát giá nhà sản xuất ở Trung Quốc tăng.

Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 1 năm trở lại đây, dưới sức ép của khủng hoảng năng lượng, gián đoạn trong hoạt động vận tải, và cuộc khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản.

Lạm phát leo thang ở Trung Quốc cũng là một vấn đề khiến thế giới lo lắng. Chỉ số PPI của Trung Quốc tăng cao “thổi bùng áp lực lạm phát trên toàn cầu”, xét tới vai trò “công xưởng của thế giới” và tầm quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu – theo chiến lược gia Ken Cheung của Mizuho Bank.

PPI của Trung Quốc có khả năng sẽ giữ ở mức cao “trong một thời gian nữa, có thể là qua mùa đông này”, chuyên gia kinh tế cấp cao Jing Liu của HSBC nhận định. Theo bà Liu, giá năng lượng ở Trung Quốc cũng có thể tiếp tục tăng và đẩy CPI của nước này lên cao hơn.

Chuyên đề