Sửa một điều luật, doanh nghiệp lợi nhiều thứ

(BĐT) - Cải cách trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh (ĐKKD) những năm gần đây đã mang lại lợi ích cho doanh nghiệp (DN), không chỉ về thời gian, tiền bạc, mà còn là cơ hội kinh doanh. 
Việc sửa đổi, đơn giản hóa và bãi bỏ thủ tục hành chính không còn phù hợp giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp và xã hội. Ảnh: Tiên Giang
Việc sửa đổi, đơn giản hóa và bãi bỏ thủ tục hành chính không còn phù hợp giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp và xã hội. Ảnh: Tiên Giang

Tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đang được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tiếp tục đề xuất sửa đổi Điều 3 Luật DN nhằm cải cách một bước nữa về đăng ký DN.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thuộc Bộ KH&ĐT nhìn nhận, Luật DN và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng; thúc đẩy thành lập DN, phát triển và mở rộng kinh doanh của các DN. Song, thực tế thực thi Luật trong thời gian qua cũng cho thấy một số vấn đề khiếm khuyết.

“Mục tiêu sửa đổi Luật DN là tiếp tục làm cho DN trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn cho các nhà đầu tư, qua đó thu hút và huy động mọi nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Chúng tôi dự kiến sửa đổi quy định tại Điều 3 Luật DN và các luật chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi cho thành lập DN”, ông Hiếu chia sẻ.

Đề cập về sự hạn chế của Điều 3 Luật DN, ông Hiếu chỉ ra, theo quy định tại Điều này thì có sự khác biệt không cần thiết về thủ tục đăng ký DN giữa Luật DN và một số luật chuyên ngành khác. Một số DN đăng ký thành lập tại cơ quan chuyên ngành, thay vì đăng ký tại cơ quan ĐKKD. Ví dụ, DN đấu giá tài sản đăng ký thành lập tại Sở Tư pháp theo Luật Đấu giá tài sản, tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tại Sở Tư pháp theo Luật Luật sư. Chính sự phân tán và khác biệt về thủ tục đăng ký thành lập DN đã gây cản trở, khó khăn, tốn kém và bất lợi cho các DN có liên quan trong cơ cấu lại hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh. Vì thế, Dự thảo Luật lần này dự kiến sửa Điều 3 theo hướng: “Trình tự, thủ tục đăng ký DN thực hiện theo quy định của Luật này. Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của DN thì áp dụng Luật đó, trừ trình tự, thủ tục đăng ký DN”.

Tán thành đề xuất của Bộ KH&ĐT, ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đấu thầu thuộc Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương, thành viên Tổ công tác thi hành Luật Đầu tư và Luật DN nhận định: “Với hướng sửa này, chỉ số khởi sự DN của Việt Nam sẽ tăng hạng, lên vị trí 50 - 51 trên Bảng xếp hạng về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) thay vì vị trí 104 như hiện nay”. Bên cạnh đó, ông Hiền cũng cho rằng, còn nhiều tiềm năng để cải thiện Chỉ số khởi sự DN, quan trọng là phải thay đổi tư duy tạo điều kiện thuận lợi cho thành lập DN.

Theo quy định của Luật DN, DN phải hoàn thành 5 thủ tục hành chính để có thể bắt đầu kinh doanh, bao gồm: đăng ký DN tại cơ quan ĐKKD, làm dấu tại cơ sở khắc dấu, thông báo mẫu dấu với cơ quan ĐKKD, mở tài khoản và thông báo thông tin tài khoản cho cơ quan ĐKKD… So sánh với quốc tế và khu vực, thủ tục thành lập DN và khởi sự kinh doanh ở nước ta vẫn còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí.

Ngoài ra, một số thủ tục hành chính khác không còn phù hợp, tạo ra chi phí không cần thiết cho cả DN và cơ quan quản lý nhà nước. Điển hình như yêu cầu về báo cáo thông tin của người quản lý công ty (Điều 12), yêu cầu cơ quan ĐKKD thường xuyên gửi thông tin về đăng ký DN cho tất cả quận, huyện, thị xã (các Điều 34, 46)...

Do đó, Dự thảo Luật lần này yêu cầu tiếp tục đơn giản hóa và bãi bỏ thủ tục hành chính không còn phù hợp, giảm thời gian và chi phí cho DN và xã hội là cần thiết, và để thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ về nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh.

Chuyên đề