Sớm đưa vào cuộc sống Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Sáng ngày 16/11/2020, với 420/428 ý kiến tán thành (chiếm 87,14% tổng đại biểu), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Việc thông qua Nghị quyết được kỳ vọng sẽ tạo "cú hích" trong tổ chức bộ máy quản lý hành chính TP.HCM hiệu lực, hiệu quả.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, việc đề xuất mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM đã được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019 cũng như phù hợp với đặc điểm, tính chất, yêu cầu phát triển của Thành phố, có sự đồng thuận của người dân và dựa trên cơ sở những bài học kinh nghiệm của việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại quận, huyện, phường trên địa bàn Thành phố.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, góp ý cho Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, có ý kiến đề nghị đổi tên UBND quận, UBND phường thành Ủy ban hành chính để phù hợp với tính chất của cơ quan này; nhiều ý kiến khác tán thành việc giữ nguyên tên gọi là UBND quận, UBND phường để tránh sự xáo trộn trong công tác quản lý và gây phiền hà, tốn kém cho người dân.

UBTVQH cho rằng, UBND ở nơi không tổ chức HĐND là cơ quan hành chính, hoạt động theo chế độ thủ trưởng nên gọi tên là Ủy ban hành chính sẽ phù hợp với tính chất của cơ quan này. Tuy nhiên, tại thời điểm này, nếu đổi tên ngay thành Ủy ban hành chính sẽ phát sinh nhiều vấn đề, có thể gây xáo trộn lớn trong công tác quản lý nhà nước mà chưa được tính toán kỹ. Hơn nữa, khi thông qua Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Quốc hội cũng đã nhất trí giữ tên gọi là UBND quận, UBND phường tại những nơi không tổ chức HĐND. Vì vậy, để bảo đảm tính ổn định, thống nhất, không làm phát sinh thủ tục, chi phí liên quan đến việc thay đổi tên gọi và hạn chế những vấn đề phát sinh khác trong giai đoạn mới chuyển sang mô hình chính quyền đô thị, trước mắt đề nghị vẫn cho giữ tên gọi của UBND quận, UBND phường.

Với 420/428 đại biểu bấm nút tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Với 420/428 đại biểu bấm nút tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Trên cơ sở quy định về “đơn vị hành chính tương đương” với quận, huyện, thị xã tại Khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã cụ thể hóa tên gọi của đơn vị này là “thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương” (Khoản 2 Điều 2). Để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức chính quyền địa phương ở loại đơn vị hành chính này, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định cụ thể cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (Mục 3 Chương III). Hiện nay, Đề án đề nghị thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh đã được Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định. Vì vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức sau khi được thành lập thì việc dự thảo Nghị quyết này quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền thành phố thuộc thành phố là cần thiết.

Trả lời phóng viên Báo Đấu thầu bên lề Quốc hội, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết, việc đa số đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM đã tạo điều kiện cho Thành phố tinh gọn bộ máy, đổi mới cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND Thành phố trong bối cảnh không tổ chức HĐND quận, phường. Vấn đề quan trọng trong thời gian tới là triển khai và đưa nghị quyết này vào cuộc sống, sớm ổn định và đổi mới cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của bộ máy quản lý hành chính làm việc mới theo quy định sao cho hiệu quả.

Chuyên đề