Siết trái phiếu doanh nghiệp: Cân nhắc các giới hạn

(BĐT) - Đã có nhiều ý kiến đề xuất xem lại các giới hạn về dư nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), lãi suất phát hành, số lượng nhà đầu tư cá nhân tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 163/2018/NĐ-CP đang được Bộ Tài chính xây dựng.
Quy định dư nợ phát hành riêng lẻ không quá 3 lần vốn chủ sở hữu được cho là khá thấp. Ảnh: Internet
Quy định dư nợ phát hành riêng lẻ không quá 3 lần vốn chủ sở hữu được cho là khá thấp. Ảnh: Internet

Dự thảo này bổ sung điều kiện về giới hạn khối lượng phát hành trái phiếu theo hướng doanh nghiệp phát hành phải đảm bảo dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu tại báo cáo tài chính quý gần nhất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Góp ý cho dự thảo này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tỷ lệ giới hạn dư nợ so với vốn chủ sở hữu ở mức 3:1 như Dự thảo là khá thấp, nguy cơ gây khó khăn cho việc huy động vốn của doanh nghiệp.

Thời gian vừa qua, vấn đề chống vốn mỏng đã được đưa vào đề xuất Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó đưa ra các tỷ lệ 5:1; 4:1; 3:1 cho các lĩnh vực khác nhau. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định theo hướng nâng tỷ lệ này lên 5 lần hoặc cao hơn để phù hợp với nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau của các doanh nghiệp.

Về điều kiện của công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu, Điều 9 Dự thảo (sửa đổi Điều 15.3) quy định như sau: “Tổ chức tư vấn về hồ sơ phát hành trái phiếu là công ty chứng khoán, được phép cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chứng khoán”.

Theo VCCI, điều này được hiểu là không phải công ty chứng khoán nào cũng được cung cấp dịch vụ tư vấn, mà chỉ có những công ty chứng khoán đã được cấp phép cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ phát hành trái phiếu. Quy định này có thể dẫn đến cách hiểu là cần thêm một loại giấy phép mới. Đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng mọi công ty chứng khoán đều có quyền cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ phát hành trái phiếu mà không cần làm thêm bất kỳ thủ tục gì.

Dự thảo Nghị định quy định phát hành và giao dịch TPDN riêng lẻ chỉ được thực hiện trong phạm vi 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong suốt vòng đời của trái phiếu thay cho quy định hiện hành tại Nghị định 163 là trong vòng 1 năm kể từ ngày phát hành.

Một chuyên gia trong lĩnh vực trái phiếu cho rằng, việc quản lý chặt việc phát hành trái phiếu riêng lẻ trong mảng quản lý nhà đầu tư được phép mua là hợp lý. Quy định phổ biến tại các thị trường tài chính phát triển như Singapore, Hong Kong, London, New York là chỉ cho phép các nhà đầu tư tổ chức được mua, các nhà đầu tư cán nhân tham gia phải là những nhà đầu tư có tổng tài sản đã trừ nợ vay cao và phải được mua qua các ngân hàng dành riêng cho họ.

Các ngân hàng này có giấy phép riêng và có quy định về việc quản lý khách hàng của mình để đảm bảo khách hàng có hiểu biết kỹ về các sản phẩm mình đầu tư. Hiện nay, các khách hàng mua trái phiếu tại các ngân hàng thương mại coi đó giống như tiền gửi. Trong trường hợp tổ chức phát hành bị phá sản, sẽ có những hệ lụy khó lường.

Tuy nhiên, cần cụ thể hóa tiêu chí về nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp được phép đầu tư các TPDN theo hình thức phát hành riêng lẻ thay vì giới hạn con số 100 nhà đầu tư. Tức là chỉ có nhà đầu tư tổ chức và cá nhân chuyên nghiệp được đầu tư TPDN riêng lẻ, không hạn chế số nhà đầu tư.

Về lãi suất, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định lãi suất phát hành trái phiếu không được vượt quá mức lãi suất theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Theo vị chuyên gia này, việc quy định trần lãi suất TPDN là không khả thi bởi lẽ, các nhà đầu tư và tổ chức phát hành có thể đưa vào các mức phí khác như: phí thu xếp, phí tư vấn, phí quản lý tài sản đảm bảo, phí quản lý dòng tiền… Do đó, lãi suất cần được thị trường điều tiết.

Chuyên đề