Siết kỷ luật thực thi chính sách vì doanh nghiệp

(BĐT) - “Sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang là mối lo ngại không nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Doanh nghiệp đang oằn vai vì gánh nặng thuế, phí cùng những thủ tục hành chính… Ảnh: Tiên Giang
Doanh nghiệp đang oằn vai vì gánh nặng thuế, phí cùng những thủ tục hành chính… Ảnh: Tiên Giang

“Nhìn thấy một Chính phủ hành động”

Khoảng gần một tháng sau nhậm chức, một trong những động thái của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được cộng đồng DN đánh giá cao đó là Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt xử lý các vấn đề của DN để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy DN phát triển như: Tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, chỉ đạo kịp thời xử lý vụ việc quán Cà phê Xin chào, kiên quyết từ nay tới cuối năm không tăng thuế, phí nhằm tạo điều kiện cho DN....

Ghi nhận và đánh giá cao hành động này, đại diện cho cộng đồng DN, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận: “Thủ tướng đã chọn đúng được điểm trọng yếu nhất cần phải giải quyết của nền kinh tế trong thời điểm này. Tháo gỡ khó khăn, vực dậy khu vực DN, theo tôi là yêu cầu quan trọng nhất trong việc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay”. Phân tích cho quan điểm vừa nêu, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Thời gian qua, DN Việt Nam đã trải qua một giai đoạn rất khó khăn, đặc biệt là gần đây số lượng DN phải đóng cửa, giải thể tăng lên rất nhiều; hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN cải thiện chậm. Khoảng 2 - 3 năm nữa sẽ là những cuộc hội nhập sâu, rộng nhất của đất nước nên sự chuẩn bị nội lực của nền kinh tế, nội lực DN để có thể đương đầu với thách thức của hội nhập nhằm vươn lên, nắm lấy cơ hội là việc rất quan trọng”. Chính vì thế, lúc này DN rất cần có những giải pháp, chính sách của Chính phủ giúp DN hồi phục lại, nâng cao năng lực cạnh tranh để chuẩn bị cho cuộc hội nhập cạnh tranh gay gắt mới.

Nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN hoạt động đầu tư kinh doanh, vừa qua, nhiều chính sách đã được ban hành, song dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia kinh tế thì hiệu quả thực thi không cao, một số bộ, ngành còn chểnh mảng. Đơn cử như việc thực hiện các Nghị quyết 19 của Chính phủ (bao gồm Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 và Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia) – là những Nghị quyết có “tiếng vang” đối với DN, nhà đầu tư về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tuy nhiên, “năm 2015 chỉ có 10 bộ, cơ quan và 15 tỉnh, thành phố thực hiện chế độ báo cáo theo quy định”. “Người đứng đầu một số bộ, ngành và địa phương còn coi NQ19 như là phong trào, chưa nắm được cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, nên chưa quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đôn đốc, kiểm tra, giám sát; thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, phiền hà...” - Nghị quyết 19/2016/NQ-CP chỉ rõ.

Thêm nữa, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 đã có hiệu lực cách đây gần 1 năm, tuy nhiên, khảo sát của một số đơn vị uy tín chỉ ra rằng, hiện có gần 7.000 giấy phép đang “hành” DN. Ví von về hình ảnh DN trong thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói: “DN tư nhân Việt Nam đang hội nhập như đi trên cây cầu khỉ, thân hình gầy gò và trên vai, trên đầu là gánh nặng thuế, phí cùng những thủ tục hành chính…”.

Kiên quyết xử lý cán bộ gây phiền hà cho DN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, cơ quan có thẩm quyền cần hướng tới mục tiêu hỗ trợ, hướng dẫn DN để tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất kinh doanh.
Từ thực trạng “sức khỏe” DN suy giảm, hồi phục yếu ớt, Thủ tướng Chính phủ lưu ý đặc biệt đến tăng cường kỷ luật thực thi chính sách pháp luật của bộ máy hành chính, can thiệp vào từng vụ việc cụ thể gỡ khó cho DN. Ông Vũ Tiến Lộc cho biết: “Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016, một số bộ, ngành cho rằng thời gian để thực hiện rà soát lại “giấy phép con” – điều kiện kinh doanh là không đủ. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đơn vị này dứt khoát phải rà soát và thông báo công khai điều kiện kinh doanh vào ngày 1/7 tới đây”.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, các địa phương hỗ trợ, hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, DN theo nguyên tắc không bổ sung hồ sơ quá 1 lần, không được kéo dài thời gian xử lý thủ tục hành chính không đúng theo quy định của pháp luật.

Thêm vào đó, siết kỷ luật thực thi chính sách hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện chính sách. Thông điệp từ Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016 vừa được Văn phòng Chính phủ công bố hôm qua nhấn mạnh: “Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan và chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc: Xây dựng, thực hiện kế hoạch, lộ trình cụ thể triển khai ngay Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP và Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Việt Nam”. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bức xúc; đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính… đặc biệt, xử lý nghiêm các cán bộ, công chức có hành vi vi phạm, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, DN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, cơ quan có thẩm quyền cần hướng tới mục tiêu hỗ trợ, hướng dẫn DN để tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất kinh doanh.

Chuyên đề