Làn sóng sáp nhập, hợp nhất thứ 2 giữa các ngân hàng được dự báo sẽ sớm diễn ra tại Việt Nam. Ảnh minh họa Thành Hoa. |
Hết năm 2020, tất cả ngân hàng phải niêm yết cổ phiếu
Đây là nhiệm vụ được đưa ra trong Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán (TTCK) đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tính tới thời điểm hiện nay, mới chỉ có 17 trong tổng số 31 ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam niêm yết cổ phiếu trên cả ba sàn giao dịch chứng khoán.
Mặc dù vậy, theo quy định tại Thông tư số 155/2015/TT-BTC về trách nhiệm công bố thông tin của các doanh nghiệp thì hầu hết các NHTM hiện nay đều thuộc nhóm công ty cổ phần có quy mô lớn. Theo đó, dù niêm yết hay chưa niêm yết thì tất cả ngân hàng đều phải công bố thông tin công khai và kịp thời.
Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng chưa niêm yết đang tuân thủ theo một cách “đối phó”. Đó là thời gian công bố thường rất chậm so với quy định, đáng chú ý hơn là tình trạng che giấu thông tin tài chính. Các ngân hàng chưa niêm yết thường chỉ công bố bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh. Trong khi đó, phần thuyết minh trong báo cáo tài chính, thường chứa đựng nhiều thông tin nhạy cảm về hoạt động của các ngân hàng, lại không được công bố công khai.
Tại sao các ngân hàng này lại không muốn công bố phần thuyết minh? Bởi vì trong phần thuyết minh có rất nhiều thông tin về các giao dịch nội bộ giữa ngân hàng, các lãnh đạo, cổ đông với các bên có liên quan. Đó có thể là giữa ngân hàng với các công ty con khác trong cùng tập đoàn hay giữa ngân hàng với chính các lãnh đạo...
Khi các ngân hàng này buộc phải niêm yết cổ phiếu thì nhiều thông tin nhạy cảm sẽ được công bố công khai. Khi đó, các chuyên gia phân tích tài chính cũng như các nhà báo sẽ có những phản hồi và bình luận về tình hình hoạt động của các ngân hàng này.
Các ông chủ sẽ hết cửa thao túng hoạt động của ngân hàng
Thứ nhất, đó là việc tìm cách tăng vốn ảo và thông qua đó sẽ gia tăng chi phối tỷ lệ sở hữu ngân hàng của một nhóm cổ đông. Câu chuyện tăng vốn ảo như đã từng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á có lẽ cũng đã được thực hiện tại không ít ngân hàng khác. Ngân hàng sẽ cho các cá nhân vay tiền, rồi các cá nhân đó lại dùng tiền đi vay của ngân hàng để mua cổ phiếu của chính ngân hàng cho vay.
Thứ hai, đó là động thái dùng tiền của ngân hàng để đầu tư vào các hoạt động kinh doanh riêng của các ông chủ. Theo đó, các công ty con trong tập đoàn sẽ tiến hành vay vốn của ngân hàng với rất nhiều ưu đãi như lãi suất thấp hay thậm chí là không có tài sản đảm bảo, không đủ điều kiện để vay vốn theo quy định. Khi đó hoạt động kinh doanh của ngân hàng thường có hiệu quả thấp, trong khi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sân sau lại thường có hiệu quả cao. Lợi ích của ngân hàng đã được chuyển thành lợi ích của các công ty trong cùng hệ thống mà vốn do ông chủ sở hữu.
Thực trạng trên cũng không có gì đáng nói nếu như mọi hoạt động đều trơn tru như vậy. Các công ty thành viên làm ăn phát đạt thì thanh toán tiền trở lại cho các ngân hàng. Thực trạng trên có lẽ không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà còn đâu đó ở nhiều nước phát triển khác.
Vấn đề mà nhiều ngân hàng của Việt Nam đã và đang gặp phải là các doanh nghiệp trong nội bộ tập đoàn hoạt động kinh doanh thua lỗ, thậm chí mất khả năng thanh toán. Khi đó, các khoản vay sẽ được chuyển thành nợ xấu của ngân hàng và theo thời gian các khoản nợ xấu đó sẽ được xóa khỏi bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Các động thái này sẽ được hạn chế ở mức tối đa khi các ngân hàng phải công khai hoạt động kinh doanh cũng như kết quả tài chính khi niêm yết cổ phiếu.
Các ngân hàng sẽ buộc phải sáp nhập, hợp nhất
Bên cạnh việc phải công khai thông tin trong thời gian tới thì các ngân hàng nhỏ, chưa niêm yết còn phải đối mặt với một thách thức rất lớn khác ở phía trước. Đó là việc phải tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động theo tiêu chuẩn Basel 2 vào năm 2020. Khi đó, rất nhiều ngân hàng sẽ thiếu nguồn vốn tự có trong khi lại rất khó để huy động thêm vốn từ các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của nhiều ngân hàng nhỏ sẽ giảm xuống dưới mức quy định. Đó sẽ là chỉ báo, thước đo về sự an toàn trong hoạt động của từng ngân hàng. Thực trạng đó có thể sẽ khiến cho người gửi tiền có xu hướng chuyển các khoản tiền gửi sang các ngân hàng khác có hệ số an toàn vốn cao hơn.
Tiền gửi sụt giảm cùng với việc không thể huy động được vốn từ các kênh huy động khác, hoặc huy động được nhưng với chi phí cao, sẽ buộc các ngân hàng phải tìm đến phương án sáp nhập, hợp nhất. Xu hướng trên được xem là tất yếu khách quan khi mà Thái Lan với quy mô GDP gấp 2 lần Việt Nam nhưng hiện chỉ có 8 NHTM, trong khi đó con số này của Việt Nam đang là 31.
Như vậy, năm 2020 sẽ được xem là một dấu mốc quyết định đến sự tồn tại của các ngân hàng. Do đó, làn sóng sáp nhập, hợp nhất thứ 2 giữa các ngân hàng được dự báo sẽ sớm diễn ra tại Việt Nam.