Sắp diễn ra hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 2 và các sự kiện liên quan

Đây là đợt hội nghị lớn thứ hai của Năm APEC 2017 nhằm triển khai các nội dung hợp tác then chốt và các ưu tiên của APEC, đồng thời thống nhất hướng xây dựng các văn kiện chính thức của APEC.
Biểu trưng APEC Việt Nam 2017. Ảnh: www.apec2017.vn
Biểu trưng APEC Việt Nam 2017. Ảnh: www.apec2017.vn

Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ hai (SOM 2) và các cuộc họp liên quan sẽ tổ chức tại Hà Nội từ ngày 9-21/5. Đây là đợt hội nghị lớn thứ hai của Năm APEC 2017 nhằm tiếp tục thúc đẩy triển khai các nội dung hợp tác then chốt của APEC và các ưu tiên được thông qua tại Hội nghị SOM 1; đồng thời thống nhất hướng xây dựng các văn kiện trình Lãnh đạo cấp cao tháng 11/2017 và các Hội nghị Bộ trưởng năm 2017 thông qua.

Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ hai bao gồm 49 cuộc họp, hội thảo, đối thoại… của các ủy ban, nhóm công tác APEC trên nhiều lĩnh vực khác nhau: tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, kinh tế mạng, phụ nữ và kinh tế, an toàn thực phẩm, khoa học, công nghệ và sáng tạo, khai khoáng, công nghiệp ô tô, đô thị hóa…

Chuỗi sự kiện quan trọng này dự kiến thu hút đông đảo đại biểu quốc tế và trong nước đã đăng ký tham dự, đại diện 21 nền kinh tế thành viên, Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, Ban Thư ký ASEAN, Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC và một số tổ chức quốc tế và khu vực khác, cùng đại diện giới doanh nghiệp và học giả trong khu vực.

Với ý nghĩa của các hoạt động lần này, dự kiến Lãnh đạo cấp cao Việt Nam sẽ tham dự và phát biểu chỉ đạo tại: Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai; Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách Thương mại lần thứ 23 (MRT 23); Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.

Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp APEC 2017 Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao sẽ chủ trì Hội nghị SOM 2; Cuộc họp Nhóm bạn của Chủ tịch về đô thị hóa; Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn thể Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương; Phát biểu chỉ đạo Hội nghị mạng lưới các Trung tâm nghiên cứu APEC.

Năm Bộ, cơ quan của Việt Nam sẽ trực tiếp chủ trì hoặc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch các ủy ban/nhóm công tác của APEC. Cụ thể Bộ Công Thương ( Ủy ban thương mại và đầu tư - CTI; Nhóm đặc trách về khai khoáng; Đối thoại công nghiệp ô tô); Bộ Ngoại giao (Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC; Hội nghị các Trung tâm nghiên cứu APEC; Nhóm bạn của Chủ tịch về đô thị hóa); Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Nhóm Phát triển nguồn nhân lực); Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Đối tác chính sách về phụ nữ và kinh tế); Bộ Khoa học và Công nghệ (Nhóm công tác Tiêu chuẩn và hợp chuẩn; Đối thoại chính sách về Khoa học, công nghệ và Đổi mới). Nhân dịp này, Hội nghị các quan chức cao cấp tài chính và các cuộc họp liên quan do Bộ Tài chính chủ trì sẽ diễn ra tại Ninh Bình.

Chuyên đề