Sắp công bố điều chỉnh danh mục cổ phần hóa

(BĐT) - Tại cuộc họp báo sáng ngày 28/3, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, 31/3 là hạn chót để các doanh nghiệp chưa thực hiện cổ phần hóa (CPH) theo tiến độ phải nộp hồ sơ giải trình cho cơ quan chức năng.
Hiện có nhiều doanh nghiệp nhà nước xin lùi cổ phần hóa. Ảnh minh họa: Internet
Hiện có nhiều doanh nghiệp nhà nước xin lùi cổ phần hóa. Ảnh minh họa: Internet

Sau đó, theo định hướng của Chính phủ, danh sách các doanh nghiệp này sẽ được rà soát chặt chẽ, thận trọng để đưa ra danh mục CPH có điều chỉnh so với kế hoạch trước đây. Doanh nghiệp nào chắc chắn CPH được trong thời hạn nhất định thì mới đưa vào danh mục điều chỉnh.

“Định hướng từ Chính phủ là từ giờ đến hết năm 2020 sẽ không điều chỉnh danh mục nữa và các doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện. Doanh nghiệp nào trễ hẹn thì sẽ phải kiêm điểm và chịu kỷ luật theo quy định”, ông Tiến nhấn mạnh.

Theo công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017 – 2020 CPH 127 doanh nghiệp. Theo đó, Năm 2017: CPH 44 doanh nghiệp; Năm 2018: 64 doanh nghiệp; Năm 2019: 18 doanh nghiệp; Năm 2020: 1 doanh nghiệp.

Trong năm 2018, đã có 23 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị doanh nghiệp là 31.706 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 16.739 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 20.278 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 12.118 tỷ đồng; bán cho nhà đầu tư chiến lược 2.540 tỷ đồng; đấu giá công khai 5.429 tỷ đồng, số còn lại bán cho người lao động là 179 tỷ đồng và tổ chức công đoàn 7 tỷ đồng. Lũy kế giai đoạn 2016 – 2018, đã có 159 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị doanh nghiệp là 442.275 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.024 tỷ đồng.

Năm 2018 đã có 28 doanh nghiệp thực hiện bán cổ phần lần đầu với giá trị cổ phần bán ra là 13.950 tỷ đồng, thu về 21.827 tỷ đồng. 

Tiến độ triển khai CPH trong năm 2018 chưa đạt được theo kế hoạch. Nhiều đơn vị có số lượng doanh nghiệp phải thực hiện CPH lớn nhưng chưa thực hiện theo đúng kế hoạch và chưa báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ thực hiện.

Về thoái vốn, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, trong đó: năm 2017 thực hiện thoái vốn tại 135 doanh nghiệp; năm 2018 tại 181 doanh nghiệp; năm 2019 tại 62 doanh nghiệp và năm 2020 tại 28 doanh nghiệp.

Năm 2018, các doanh nghiệp đã thoái được 8.640 tỷ đồng, thu về 19.618 tỷ đồng. Trong đó: Thoái vốn nhà nước tại 54 doanh nghiệp theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg  ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 1.707 tỷ đồng, thu về 3.327 tỷ đồng; Thoái vốn nhà nước tại 3 doanh nghiệp không thuộc danh sách tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị 334 tỷ đồng, thu về 404 tỷ đồng; Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 6.598 tỷ đồng, thu về 15.887 tỷ đồng.

Như vậy, lũy kế giai đoạn 2016 – 2018, cả nước đã thoái được 22.064 tỷ đồng, thu về 165.956 tỷ đồng.

Việc triển khai thoái vốn nhà nước còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra. Một số bộ, ngành, địa phương có nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn vẫn đang triển khai thực hiện nhưng kết quả đạt thấp hoặc chưa có kết quả, tuy nhiên vẫn chưa báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ thực hiện.

Chuyên đề