Sàn chứng khoán nghỉ giao dịch 11 ngày trong năm 2022 dịp Lễ tết

0:00 / 0:00
0:00
Trong năm 2022, dịp lễ Tết, sẽ có 11 ngày không giao dịch chứng khoán...
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vừa thông báo về việc công bố thông tin lịch nghỉ giao dịch trong năm 2022. Cụ thể, văn bản này cho biết, căn cứ Bộ Luật lao động, Quy chế giao dịch, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM thông báo sẽ nghỉ 11 ngày trong năm 2022.

Các ngày này gồm: Tết Dương lịch 3/1/2022, Tết Âm lịch nghỉ 5 ngày từ 31/1/2022 đến hết thứ 6 ngày 4/2/2022. Ngày Giỗ tổ Hùng Vương 11/4/2022; Ngày Chiến thắng và Quốc tế Lao động 2 ngày 2/6 và 30/5 và Ngày Quốc khánh 1/9 và 2/9/2022.

Kết thúc phiên giao dịch sáng nay, 23/12, VN-Index giảm 21,8 điểm về mốc 1.455,8. Thị trường đang giao dịch những ngày cuối cùng của một năm huy hoàng rực rõ với nhiều kỷ lục vô tiền khoáng hậu.

Tháng 11, lần đầu tiên số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước vượt 200.000 đơn vị. Như vậy, số lượng tài khoản chứng khoán mỗi tháng của cá nhân trong nước vượt 100.000 đơn vị duy trì 9 tháng liên tiếp, đưa tổng khối lượng mở mới 11 tháng năm 2021 lên 1,3 triệu đơn vị, gấp 3,3 lần cả năm 2020 và cao hơn so với mức gần 1,18 triệu đơn vị của 5 năm trước cộng lại.

Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới cuối tháng 11 đạt hơn 4 triệu đơn vị, tương đương gần 4% dân số.

Được dẫn dắt bởi dòng tiền nội, VN-Index chính thức chinh phục mốc 1.500 điểm vào cuối tháng 11. Mức cao nhất của chỉ số này được thiết lập vào phiên 25/11/2021 với 1.500,81 điểm.

Không chỉ VN-Index, HNX-Index cũng vượt đỉnh lịch sử được thiết lập vào 19/3/2007 (459,36 điểm) và leo lên mức cao nhất 468,73 điểm tại ngày 18/11/2021. Các chỉ số VNMID (đại diện cho nhóm vốn hóa vừa) và VNSML (đại diện cho nhóm vốn hóa nhỏ) cũng liên tục đi tìm đỉnh cao mới.

Giá trị vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam cũng vươn lên mức kỷ lục. Cụ thể, tổng giá trị vốn hóa tại thời điểm 15/12/2021 đạt 7,7 triệu tỷ đồng, tăng 45,5% so với cuối năm 2020 và bằng 99% GDP. Trong khi đó, Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quy mô thị trường cổ phiếu vào năm 2025 tối thiểu 85% GDP (đã điều chỉnh) và 110% GDP năm 2030.

Chuyên đề