Sai lầm khiến phi công Su-15 Liên Xô trả giá đắt trên biển Baltic

Hành động đeo bám đến cùng chiếc tiêm kích Viggen nổi tiếng linh hoạt của Thụy Điển đã khiến phi công Su-15 Liên Xô trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Su-15 xuất kích tiêu diệt mục tiêu

Bầu trời trên biển Baltic trong thời kỳ căng thẳng của Chiến tranh Lạnh chứng kiến nhiều hoạt động của cả không quân các nước Bắc Âu và Liên Xô. Tiêm kích Viggen của không quân Thụy Điển thường xuyên bám đuôi chiến đấu cơ Liên Xô, đôi khi chỉ cách vài mét, để chụp ảnh tổ lái thực hành các động tác tấn công giả định tàu sân bay Mỹ trên vùng biển này, theo War Is Boring.

Tuy nhiên, một cuộc chạm trán như vậy giữa máy bay Liên Xô và Thụy Điển đã kết thúc đầy thảm khốc, khiến Moscow đánh mất một trong những chiến đấu cơ hiện đại nhất thời kỳ đó của mình.

Ngày 7/7/1985, phi công Thụy Điển Goran Larsson điều khiển chiếc tiêm kích trinh sát biển SH-37 Viggen để chụp ảnh cuộc tập trận của hải quân Liên Xô trên biển Baltic. Phát hiện hoạt động do thám này, hai tiêm kích Su-15TM Flagon Liên Xô lao về phía chiếc Viggen, trong đó một máy bay áp sát bên cạnh Larsson.

Larsson bình tĩnh chụp ảnh chiếc Su-15 có hô hiệu "Vàng 36" đang bám theo mình, sau đó trở lại căn cứ để tiếp nhiên liệu.

Chiếc Su-15 có hô hiệu "Vàng 36" bám đuôi Larsson. Ảnh:Imgur.

Trong lần xuất kích thứ hai ngày hôm đó, Larsson vẫn bị hai chiếc Su-15 này tiếp cận. Một máy bay tiến lại gần đầu cánh máy bay của Larsson, gây khó khăn cho việc chụp ảnh. Phi công Thụy Điển thực hiện hàng loạt động tác ngoặt và xoắn gấp để thoát khỏi đối phương, nhưng nó vẫn bám sát trong khoảng cách 50 m.

Khó chịu trước sự đeo bám của phi công Liên Xô, Larsson quyết định thực hiện động tác bổ nhào cực kỳ hẹp ở tốc độ 644 km/h từ độ cao chỉ cách mặt biển 500 m. Phi công Liên Xô cũng lao xuống, bám theo chiếc máy bay Thụy Điển.

Tiêm kích Viggen nổi tiếng với khả năng cơ động nhờ cặp cánh phụ trước mũi. Trong khi đó, tiêm kích Su-15 lại khá vụng về khi cơ động ở độ cao thấp. Khi chỉ cách mặt nước 100 m, chiếc tiêm kích Viggen bắt đầu lấy lại độ cao và vọt lên.

Phi công Su-15 cố gắng bắt chước động tác này nhưng đã quá muộn, chiếc tiêm kích mất kiểm soát, lao thẳng xuống biển và nổ tung. Nhận ra hậu quả nghiêm trọng của vụ việc, Larsson quyết định từ bỏ nhiệm vụ chụp ảnh để quay về căn cứ.

Chứng kiến máy bay đồng đội lao xuống biển, chiếc Su-15 còn lại đuổi theo Larsson như muốn trả đũa. Phi công Thụy Điển bay chỉ cách mặt nước 50 m, bật chế độ tăng lực tối đa để đạt vận tốc siêu thanh, điều không dễ duy trì ở độ cao thấp do mật độ không khí cao.

Máy bay trinh sát SH-37 Viggen của không quân Thụy Điển. Ảnh:Wikipedia.

Bị tụt lại phía sau, phi công Su-15 quyết định khóa tên lửa vào máy bay của Larsson. Tuy nhiên, chiếc tiêm kích Liên Xô từ bỏ ý định tấn công và đột ngột chuyển hướng khi phát hiện hai máy bay Viggen khác của Thụy Điển đang lao tới tiếp ứng cho Larsson.

Phi công Liên Xô thiệt mạng trong sự cố này là đại úy S. Zhigulyov thuộc Trung đoàn tiêm kích Cận vệ số 54, đóng tại Vainode, Latvia. Các tàu Liên Xô tìm kiếm thi thể phi công này trong hai ngày nhưng không thành công. Tất cả những gì còn lại của phi công này là một mảnh áo khoác dạt vào bờ sau đó 10 năm.

Theo các chuyên gia quân sự, sai lầm của Zhigulyov là không lường được hậu quả khi cơ động ở độ cao quá thấp. Su-15 được thiết kế gọn gàng, hoạt động tốt như một máy bay đánh chặn ở độ cao lớn, nhưng không thể cơ động linh hoạt khi ở sát mặt biển.

Đây được coi là một trong số những thương vong "ngoài chiến đấu" mà hai phe phải hứng chịu trong Chiến tranh Lạnh. Trong vài tháng sau sự cố, phi công Liên Xô và Thụy Điển duy trì khoảng cách với nhau một cách cẩn trọng trên biển Baltic.

Chuyên đề