S&P 500 tụt khỏi kỷ lục, Dow Jones mất hơn 300 điểm vì Omicron và Fed

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm khá mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (13/12), khi nhà đầu tư thận trọng về ảnh hưởng của biến chủng Omicron đối với nền kinh tế và trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed)...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.

Sau khi đóng cửa ở mức kỷ lục trong phiên ngày thứ Sáu tuần trước, S&P 500 giảm 0,9% trong phiên này, chốt ở 4.668,97 điểm, thấp hơn 1,6% so với mức đỉnh nội phiên mọi thời đại.

Chỉ số Dow Jones giảm 320 điểm, tương đương giảm 0,9%, còn 35.650,95 điểm.

Chỉ số Nasdaq giảm gần 1,4%, còn 15.413,28 điểm.

Những cổ phiếu gắn với sự mở cửa trở lại của nền kinh tế như hàng không và tàu du lịch là vài trong số những cái tên giảm sâu nhất phiên đầu tuần. American Airlines sụt 4,9%; Delta Air Lines trượt 3,4%; United Airlines giảm 5,2%; Carnival Corp. mất 4,9%.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu nhà sản xuất vaccine Covid-19 Moderna tăng 5,8%. Hôm Chủ nhật, cố vấn cấp cao nhất về bệnh truyền nhiễm của Chính phủ Mỹ, tiến sỹ Anthony Fauci, nói rằng tiêm nhắc lại là “biện pháp tối ưu” để chống lại Covid, nhất là khi biến chủng Omicron bắt đầu lây lan nhanh trên toàn cầu. Tuy nhiên, ông Fauci nói rằng định nghĩa của Mỹ về tiêm đủ vaccine Covid vẫn không thay đổi, nghĩa là vẫn là liệu trình 2 mũi tiêm Pfizer hoặc Moderda hoặc 1 mũi tiêm Johnson & Johnson.

Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Y khoa Sheba và Phòng thí nghiệm Trung tâm về virus thuộc Bộ Y tế Israel hôm thứ Bảy đưa ra kết luận rằng liệu trình 3 mũi tiêm vaccine Pfizer mang lại hiệu quả trong việc chống lại biến chủng Omicron. Cổ phiếu Pfizer tăng 4,6% phiên này.

Tuy nhiên, biến chủng mới vẫn khiến một số quốc gia tái áp các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát lây lan. Tính đến ngày Chủ nhật, Mỹ đã tiến gần mốc 800.000 người tử vong do Covid kể từ đầu đại dịch. Ngày thứ Hai, Thủ tướng Anh Boris Johnson xác nhận ít nhất 1 người ở nước này đã tử vong sau khi mắc Covid do biến chủng Omicron.

“Thị trường đang có nhiều mối lo, từ việc giá cổ phiếu gần đây đã tăng quá nhanh lên mức kỷ lục, và vấn đề Covid. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất trong ngày hôm nay và có lẽ cả mấy ngày tới sẽ nằm ở cuộc họp của Fed, liệu Fed sẽ đưa ra quan điểm cứng rắn như thế nào trong cuộc họp tuần này”, chiến lược gia trưởng Jim Paulsen của Leuthold Group phát biểu trên CNBC.

Phiên giảm ngày thứ Hai diễn ra sau một tuần tăng mạnh ở Phố Wall, khi nhà đầu tư gạt bỏ những mối lo về sự tăng nóng của lạm phát. S&P 500 đã hoàn tất tuần tăng tốt nhất kể từ tháng 2 và chốt tuần ở mức cao kỷ lục, đảo ngược đợt bán tháo mạnh mẽ trước đó do sự xuất hiện của biến chủng Omicron gây ra. Dow Jones cũng tăng 4% trong tuần trước, chấm dứt chuỗi 4 tuần giảm liên tiếp và là tuần tăng mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 3.

Giới đầu tư đã không mấy lo lắng trong phiên ngày thứ Sáu, cho dù số liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy lạm phát ở nước này cao nhất kể từ năm 1982. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 6,8% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo tăng 6,7% mà Dow Jones đưa ra trước đó.

“Chúng tôi tin rằng thị trường có thể tiếp tục chấp nhận mức lạm phát cao hơn để giữ xu hướng tưang, nhưng giá cổ phiếu cũng có thể biến động mạnh hơn. Với chính sách của Fed vẫn còn tương đối nới lỏng, bức nền của bức tranh chứng khoán vẫn tương đối tích cực. Chúng tôi nghiêng về những công ty hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu”, Giám đốc đầu tư Mark Haefele của UBS Global Wealth Management nhận định.

Báo cáo lạm phát quan trọng này được đưa ra trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài trong 2 ngày 14-15/12 của Fed. Tại cuộc họp này, Fed có thể bàn về đẩy nhanh tốc độ cắt giảm chương trình mua tài sản, thậm chí là việc tăng lãi suất sớm hơn trong năm 2022.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cùng một số quan chức khác của cơ quan này gần đây phát tín hiệu Fed có thể kết thúc chương trình mua 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng trước tháng 6/2022 – mốc thời gian dự kiến kết thúc chương trình nếu được cắt giảm với tiến độ 15 tỷ USD mỗi tháng hiện nay. Việc chương trình mua tài sản kết thúc sớm có thể đồng nghĩa Fed sớm nâng lãi suất, và điều này khiến nhà đầu tư lo lắng.

“Với khả năng Fed đẩy nhanh thắt chặt, nhà đầu tư sẽ bán mạnh các tài sản rủi ro và chỉ muốn nắm những tài sản an toàn như cổ phiếu phòng thủ, cổ phiếu vốn hoá lớn, trái phiếu và đồng USD”, ông Paulsen nói thêm. “Cho tới khi Fed họp xong, tâm lý lo lắng sẽ tiếp tục gây áp lực lên thị trường”.

Chuyên đề