S&P 500 trượt nhẹ sau chuỗi phiên lập kỷ lục

Chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, sau hai phiên liên tiếp lập kỷ lục khi đóng cửa...
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khi nhà đầu tư phần nào trở nên thận trọng sau chuỗi phiên lập kỷ lục liên tiếp gần đây của thị trường. Hy vọng về một thỏa thuận thương mại sớm được ký kết giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là nhân tố nâng đỡ các chỉ số.

Trong phiên ngày thứ Hai, cả ba chỉ số chính của Phố Wall cùng đạt mức đóng cửa cao chưa từng thấy. Trong đó, S&P 500 và Nasdaq có phiên lập kỷ lục thứ hai liên tiếp và Dow Jones lập kỷ lục lần đầu tiên kể từ tháng 7.

Theo hãng tin Reuters, phiên ngày thứ Ba, lạc quan về thỏa thuận Mỹ-Trung tăng thêm, nhưng nhà đầu tư cũng bắt đầu thể hiện quan điểm thận trọng.

Theo thông tin mới nhất, phía Trung Quốc đang hối thúc Mỹ dỡ bỏ một phần thuế quan đã áp lên hàng hóa Trung Quốc như một điều kiện để ký thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1". Nếu mọi việc suôn sẻ, thỏa thuận có thể được ký ngay trong tháng 11 này.

"Thị trường đang ở mức cao nhất mọi thời đại, và mọi người đang có chút lo lắng về thỏa thuận thương mại", chiến lược gia trưởng Tim Ghriskey thuộc Inverness Counsel ở New York phát biểu.

Tài chính và năng lượng là hai nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất phiên này. Trong đó, cổ phiếu tài chính tăng 0,42% nhờ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đạt đỉnh 6 tuần, và cổ phiếu năng lượng tăng 0,45% nhờ giá dầu tăng hơn 1%. Bất động sản - nhóm cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất - giảm 1,76%.

Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 0,11%, còn 27.492,63 điểm. S&P 500 giảm 0,12%, còn 3.074,62 điểm. Nasdaq giảm 0,02%, còn 8.434,68 điểm.

Ngoài lạc quan về một giải pháp cho thương chiến Mỹ-Trung, xu hướng tăng gần đây của chứng khoán Mỹ còn là kết quả của mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2019 tốt hơn dự báo của các doanh nghiệp niêm yết, động thái giảm lãi suất lần thứ ba trong năm 2019 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và một số dữ liệu kinh tế khả quan.

Số liệu công bố ngày 5/11 cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (ISM) ngành dịch vụ Mỹ tăng lên mức 54,7 điểm trong tháng 10, từ mức 52,6 điểm trong tháng 9 và cao hơn kỳ vọng của giới phân tích. Con số này xoa dịu mối lo về sự lan rộng của tình trạng giảm tốc trong ngành sản xuất sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế Mỹ.

Trong số các công ty thuộc S&P 500 đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh tính đến thời điểm này, có trên 3/4 đạt kết quả tốt hơn dự báo, theo dữ liệu của Refinitiv. Đến hiện tại, lợi nhuận quý 3/2019 của các doanh nghiệp trong S&P 500 được cho là giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức dự báo giảm 2,2% đưa ra hồi đầu tháng 10.

Cổ phiếu Boeing tăng 2,05% sau khi Chủ tịch Dave Calhoun nói Hội đồng Quản trị của hãng chế tạo máy bay này tin rằng Tổng giám đốc (CEO) Dennis Muilenberg "đã làm mọi điều đúng đắn" sau hai vụ rơi máy bay 737 Max vào tháng 10/2018 và tháng 3/2019.

Cổ phiếu Adobe - nhà sản xuất phần mềm chỉnh sửa ảnh Photoshop - tăng 4,25% sau khi công ty nâng dự báo doanh thu quý 4 và năm 2020.

Cổ phiếu Uber giảm 9,85% sau khi công ty ứng dụng gọi xe này báo khoản lỗ quý 3 tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,13 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,1 lần.

Có tổng cộng 7,89 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 6,61 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Chuyên đề