Rủi ro khi nhà thầu nợ đóng bảo hiểm xã hội

(BĐT) - Từ đầu năm đến nay, có 4 doanh nghiệp (DN) đã được cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) đề nghị khởi tố hình sự. 
Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội là một dấu hiệu cần lưu ý để tránh trường hợp không đủ năng lực thực hiện gói thầu, dự án. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội là một dấu hiệu cần lưu ý để tránh trường hợp không đủ năng lực thực hiện gói thầu, dự án. Ảnh: Lê Tiên

Trong khi đó, số nợ đóng BHXH trên cả nước lên tới 10.450 tỷ đồng. Đây là những con số đáng lưu ý đối với các chủ đầu tư và bên mời thầu trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực để đảm bảo chất lượng và tiến độ của gói thầu, dự án.

5 tháng đầu năm, nợ đóng bảo hiểm 10.450 tỷ đồng

Tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tháng 5/2018 cho các cơ quan báo chí, ông Mai Đức Thắng - Phó Trưởng ban Ban Thu thuộc BHXH Việt Nam cho biết, 5 tháng đầu năm, số nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN là 10.450 tỷ đồng, chiếm 5% số phải thu. Trong khi đó, số thu toàn ngành trong 5 tháng đầu năm đạt 24.352 tỷ đồng; lũy kế 5 tháng thu đạt 121.100 tỷ đồng, đạt 36,7% kế hoạch cả năm.

Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, để hoàn thành kế hoạch thu, từ nay đến cuối năm, BHXH Việt Nam sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, đặc biệt là tại các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT; kịp thời xử lý và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Vừa qua, theo ông Mai Đức Thắng, BHXH Việt Nam đã chính thức chuyển hồ sơ của 4 DN nợ đóng BHXH sang cơ quan công an để tiến hành điều tra, khởi tố. Trong đó, Hà Nội có 3 DN, TP.HCM có 1 DN.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, chủ DN trốn đóng BHXH có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đến một tỷ đồng, hoặc phạt tù 2-7 năm với trường hợp trốn đóng bảo hiểm 01 tỷ đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên; không đóng tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động. 

Hệ lụy khi chọn nhà thầu đang nợ bảo hiểm xã hội

Nợ đóng BHXH cho thấy DN đang gặp nhiều khó khăn, hoặc không có khả năng tài chính để đóng BHXH cho cán bộ, công nhân viên, người lao động. Tuy nhiên, có không ít DN làm ăn tốt nhưng cố tình trốn đóng BHXH để trục lợi. Điều này tác động xấu đến tiến độ và chất lượng của gói thầu mà các doanh nghiệp này tham gia.

Đơn cử, mới đây nhất là trường hợp của Công ty CP Xây dựng điện VNECO7 tại Gói thầu ADB-EVNHCMC-NMN-W01 Xây dựng toàn trạm, móng thiết bị và trụ thép, hệ thống đường nội bộ, hệ thống chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy, hệ thống camera, hệ thống tiếp địa thuộc Dự án Trạm biến áp 110 kV Nhà máy Nước Thủ Đức và đường dây đấu nối. Đang thi công Gói thầu ADB-EVNHCMC-NMN-W01, DN này rơi vào khủng hoảng nợ lương, nợ BHXH, nợ đối tác... với khoản nợ lên tới 20 tỷ đồng và Giám đốc ôm con dấu bỏ trốn, riêng nợ BHXH là 1,2 tỷ đồng, khiến Ban Quản lý dự án lưới điện TP.HCM thuộc Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã phải lãnh đủ “trái đắng” vì gói thầu bị chậm tiến độ, bị bỏ dở dang, phải bỏ thêm chi phí, kéo dài thời gian để tổ chức lựa chọn nhà thầu thay thế.

Nhưng điều đáng nói hơn ở đây là DN này đã có dấu hiệu hoạt động “èo uột” từ giữa năm 2016, khi bắt đầu nợ lương, nợ BHXH... Trong khi đó, thời điểm ký hợp đồng giữa Chủ đầu tư và Nhà thầu lại xảy ra sau đó, vào cuối năm 2016.

Để tránh tình trạng rơi vào thế bị động vì “quýt làm, cam chịu”, theo một chuyên gia về đấu thầu, chủ đầu tư/bên mời thầu cần thẩm định thông tin mà nhà thầu kê khai về năng lực tài chính trong hồ sơ dự thầu với thực tế hoạt động của DN.

Chuyên đề