Nếu mức khai thác dầu khí quý I/2017 bằng năm ngoái thì tăng trưởng quý I có thể đạt ở mức 5,95%, cao hơn cùng kỳ năm 2016. Ảnh: Tiến Vương |
Các chỉ tiêu về lạm phát, nợ công, tỷ giá hối đoái sẽ được Chính phủ quan tâm đúng mức để kinh tế tăng trưởng một cách bền vững.
Ghi nhận nhiều kết quả tích cực
Thông tin về kết quả Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Người phát ngôn Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng cho biết, tại Phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận 2 nội dung quan trọng là công tác xây dựng thể chế và tình hình kinh tế - xã hội quý I/2017.
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội quý I, các thành viên Chính phủ thống nhất, kinh tế đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt trên 43,7 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2016. Vốn FDI đăng ký đạt 7,71 tỷ USD, tăng 77,6% so với cùng kỳ 2016; vốn thực hiện đạt 3,62 tỷ USD, tăng 3,4%. Thu ngân sách cũng ghi nhận kết quả ấn tượng khi tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 23,4% dự toán năm. Tăng trưởng tín dụng đạt 2,81%, trong khi cùng kỳ năm 2016 chỉ tăng 1,54%.
Dù ghi nhận nhiều kết quả tích cực, song Chính phủ cũng thừa nhận, mức tăng GDP trong quý I vẫn ở mức thấp (5,1%), thấp hơn so với cùng kỳ 3 năm trở lại đây.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, trong quý I, một trong những trụ cột của nền kinh tế là sản xuất công nghiệp toàn Quý chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ một số năm gần đây (quý I/2012 là 5,9%; quý I/2013 là 5%; quý I/2014 là 5,3%; quý I/2015 là 9,3%; quý I/2016 là 7,4%). Một số ngành có mức tăng trưởng thấp hoặc giảm như: sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học giảm 1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 1,4%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 13,6%... Giải ngân vốn đầu tư công chậm, quý I chỉ đạt 12,4% so với dự toán (cùng kỳ năm 2016 là 16%).
Đánh giá về kết quả tăng trưởng kinh tế quý I, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu cho rằng, mức tăng trưởng này tuy thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhìn về bản chất kinh tế quý I, mức tăng trưởng này là hoàn toàn hợp lý. Theo phân tích của Thứ trưởng Đào Quang Thu, mức tăng trưởng thấp chủ yếu là do ngành khai khoáng năm nay có sản lượng giảm so với năm ngoái, trong đó có việc chủ động giảm sản lượng khai thác dầu khí (năm 2016 là 15 triệu tấn, nhưng năm 2017 là hơn 12 triệu tấn). Nếu mức khai thác dầu khí quý I/2017 bằng mức năm ngoái thì tăng trưởng quý I/2017 có thể đạt ở mức 5,95%, cao hơn cùng kỳ năm 2016.
Từ kết quả kinh tế quý I, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và các thành viên Chính phủ đánh giá, kinh tế vẫn còn khó khăn. Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là quyết tâm đảm bảo các chỉ số vĩ mô, tăng trưởng năm 2017 là 6,7%, CPI tăng không quá 4%.
Tiếp tục tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh
Thứ trưởng Đào Quang Thu cũng nhận định, niềm tin của DN vào môi trường đầu tư kinh doanh trong quý I rất tốt. Môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn tiếp tục đảm bảo, đặc biệt là tài chính ngân sách, lạm phát trong tầm kiểm soát… “Bộ KH&ĐT hoàn toàn tin tưởng với những thông số nhập khẩu, đầu tư của khu vực tư nhân, FDI trong 3 tháng đầu năm sẽ tác động trễ đến tăng trưởng kinh tế trong quý II và quý III, từ đó tăng trưởng các quý này sẽ cao hơn”, Thứ trưởng nhận định.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tháng 4 và những tháng tiếp theo, Thứ trưởng Đào Quang Thu cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho DN, thực hiện tốt Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển DN, tạo điều kiện cho giải ngân vốn đầu tư tư nhân, vốn nhà nước, vốn FDI…
Bổ sung ý kiến này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, với mục tiêu tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các chỉ tiêu về lạm phát, nợ công, tỷ giá hối đoái sẽ được Chính phủ quan tâm đúng mức để tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chú trọng cho giải ngân vốn đầu tư công; loại bỏ điều hành mang tính chất sự vụ; quyết liệt xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém…