Quy rõ trách nhiệm trong đấu thầu

(BĐT) - Nhằm chấn chỉnh kịp thời, triệt để những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu thầu thời gian qua cũng như tăng cường mạnh mẽ hiệu quả của công tác này, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất ban hành Chỉ thị chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.
Hoạt động đấu thầu đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó tỷ lệ tiết kiệm duy trì ở mức 7,11%. Ảnh: Lê Công Then
Hoạt động đấu thầu đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó tỷ lệ tiết kiệm duy trì ở mức 7,11%. Ảnh: Lê Công Then

Cần thiết chấn chỉnh công tác đấu thầu

Theo Bộ KH&ĐT, những năm qua, việc ban hành và triển khai thực hiện Luật Đấu thầu 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn của các bộ đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác đấu thầu của các cơ quan nhà nước, các chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động đấu thầu. Hoạt động đấu thầu tại các bộ, ngành, địa phương được triển khai khá tốt, tỷ lệ tiết kiệm luôn duy trì ở mức khá (đạt 7,11%), số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng tăng nhanh theo từng năm với tỷ lệ thực hiện cao, đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đấu thầu tại các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp còn nhiều tồn tại, thách thức, như: thời gian trong đấu thầu kéo dài do các nguyên nhân chủ quan, hiệu quả đấu thầu chưa đạt được như kỳ vọng; các bên trong đấu thầu (người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn đấu thầu…) chưa thực hiện tốt trách nhiệm của mình và chưa bảo đảm nghiêm túc trong quá trình thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Bộ KH&ĐT cho biết, thời gian qua vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên Thủ tướng Chính phủ đối với những nhiệm vụ đã được phân cấp giải quyết trong đấu thầu. Việc công khai, minh bạch thông tin chưa được đảm bảo theo quy định; các hành vi vi phạm chưa được giải quyết triệt để, thậm chí biến tướng với những biểu hiện phức tạp và tinh vi như dàn xếp, “quân xanh, quân đỏ”, chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu, quy định các điều kiện bất hợp lý trong hồ sơ mời thầu (HSMT). Đặc biệt, tình trạng cản trở, hạn chế sự tham gia của nhà thầu (quây thầu, vây thầu) vẫn diễn ra tại một số địa phương.

Vì vậy, việc ban hành Chỉ thị là thực sự cần thiết giúp chấn chỉnh kịp thời, triệt để những tồn tại, hạn chế nêu trên và từ đó tăng cường mạnh mẽ hiệu quả công tác đấu thầu. 

Tăng cường trách nhiệm của các bên liên quan

Bộ KH&ĐT cho biết, việc tổ chức nghiên cứu, xây dựng dự thảo Chỉ thị được thực hiện trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Văn bản số 6082/TTg-KTN ngày 13/6/2017 của Văn phòng Chính phủ và báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2016 của Bộ KH&ĐT tại Văn bản số 4352/BKHĐT-QLĐT ngày 29/5/2017.

Dự thảo Chỉ thị gồm 6 phần, trong đó nhấn mạnh khá cụ thể và rõ ràng về trách nhiệm của các bên liên quan. Cụ thể, Dự thảo quy định cụ thể về trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu như: đảm bảo công khai, minh bạch toàn bộ quá trình phát hành HSMT, tiếp nhận hồ sơ dự thầu; công khai thông tin trong đấu thầu.

Dự thảo Chỉ thị quy định kiểm soát tư vấn đấu thầu, phân định rõ trách nhiệm của tư vấn đấu thầu và có chế tài xử lý khi vi phạm hoặc không đảm bảo yêu cầu chất lượng, tiến độ. Còn về xây dựng HSMT/hồ sơ yêu cầu và đánh giá hồ sơ dự thầu/hồ sơ đề xuất, Dự thảo Chỉ thị quy định phải nghiên cứu xây dựng HSMT/hồ sơ yêu cầu đảm bảo khoa học, khách quan, phù hợp yêu cầu cụ thể từng gói thầu và theo đúng quy định, không mang tính định hướng, tạo lợi thế hoặc cản trở sự tham gia của nhà thầu...

Đối với tổ chức thẩm định, Dự thảo Chỉ thị nêu rõ cần chấn chỉnh cách thức hoạt động trên cơ sở quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức thẩm định, đảm bảo tính khách quan, phát hiện kịp thời các sai sót và biểu hiện vi phạm...

Bên cạnh đó, Dự thảo Chỉ thị đưa ra yêu cầu đảm bảo người có thẩm quyền không được can thiệp vào quá trình lựa chọn nhà thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu cũng như có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm; đảm bảo chấn chỉnh kịp thời, triệt để những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu thầu thuộc phạm vi mình phụ trách.

Dự thảo Chỉ thị cũng yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu tại bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đảm bảo yêu cầu chất lượng hoạt động đấu thầu, kịp thời phát hiện và kiến nghị các biện pháp để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Còn các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chịu trách nhiệm toàn diện đối với hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu thầu, đảm bảo không để xảy ra vi phạm trong quản lý nhà nước theo thẩm quyền.

Chuyên đề