Toàn cảnh Hội nghị thẩm định dự thảo Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung |
Cơ hội sắp xếp, cơ cấu lại không gian các ngành
Phát biểu khai mạc phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bản dự thảo quy hoạch thứ 35 được trình Hội đồng thẩm định. Trước đó, 9 địa phương đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ thông qua quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Xác định tầm quan trọng của công tác quy hoạch đối với sự phát triển của địa phương, vùng và của cả quốc gia, Quốc hội yêu cầu 63 tỉnh, thành phải hoàn thành thẩm định dự thảo quy hoạch trong năm 2023. Mặc dù công tác quy hoạch đang gặp áp lực về tiến độ, song Bộ trưởng lưu ý, tiến độ phải đi đôi với chất lượng.
Năm 2010, quy mô GRDP của Cà Mau đứng thứ 7/13 tỉnh, thành phố trong vùng và đứng thứ 27/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; năm 2020, quy mô GRDP của Cà Mau đứng thứ 8/18 tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đứng thứ 39/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Như vậy, trong 10 năm, xếp hạng về quy mô GRDP của tỉnh Cà Mau trong vùng giảm 1 bậc, trong cả nước giảm 12 bậc.
Giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân tỉnh Cà Mau đạt 5,8%/năm, thấp hơn mức bình quân của vùng (6,6%/năm) và cả nước (cả 5,9%/năm); giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng đạt 3,7%/năm, thấp hơn mức bình quân của vùng (6%/năm) và cả nước (6%/năm).
Thu nhập bình quân đầu người (giá hiện hành) của tỉnh Cà Mau tăng qua các năm, tuy nhiên tốc độ tăng thấp hơn mức bình quân của vùng và cả nước. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người từ 15 triệu đồng năm 2010 (vùng ĐBSCL 15 triệu đồng; cả nước 16,6 triệu đồng), tăng lên 28,5 triệu đồng năm 2016 (vùng ĐBSCL 33,3 triệu đồng; cả nước 37,2 triệu đồng), đạt 36,4 triệu đồng năm 2020 (vùng ĐBSCL 46,6 triệu đồng; cả nước 50,8 triệu đồng). Tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của Tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 đạt 10,7%/năm, thấp hơn mức bình quân của vùng ĐBSCL (tăng 12,0%/năm) và cả nước (11,8%/năm).
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, dù công tác quy hoạch đang gặp áp lực về tiến độ, song tiến độ phải đi đôi với chất lượng. Ảnh: Đức Trung |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, dù có nhiều thế mạnh, song Cà Mau chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế. Do đó, quy hoạch là cơ hội để Cà Mau xác định các điểm nghẽn, là cơ sở để Tỉnh đạt được bước phát triển nhanh, bền vững thông qua sắp xếp lại cơ cấu ngành, không gian phát triển, bố trí lại nguồn lực, tăng thu hút đầu tư.
Thay vì điểm cuối, hãy coi Cà Mau là điểm đầu cực Nam
Chia sẻ về tiềm năng, lợi thế của địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, thay vì tư duy Cà Mau là nơi cuối trời cực Nam xa xôi, cách trở, Quy hoạch Tỉnh gợi mở tư duy đây là một vùng đất điểm đầu cực Nam của Tổ quốc, với lợi thế là địa phương duy nhất của nước ta có 3 mặt giáp biển (chiều dài bờ biển 254 km); là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước (70.000 km2); có trên 300.000 ha nuôi trồng thủy sản; có 3 cụm đảo gần bờ (Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc). Cà Mau có lợi thế nằm ở vị trí địa chiến lược - trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á; nằm trên hành lang phát triển kinh tế phía Nam của chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng Mekong mở rộng.
Vùng biển rộng là điều kiện giúp Cà Mau trở thành cửa ngõ phía Nam thuận lợi trong giao thương hàng hải quốc tế. Đặc biệt, Cà Mau có Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, là 1 trong 2 cảng biển tổng hợp của vùng ĐBSCL (cùng với Cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng).
Nhiều lợi thế, song thời gian qua, Cà Mau chưa tận dụng, phát huy tốt tiềm năng sẵn có, thể hiện qua giá trị thu ngân sách mới bằng 50% chi hàng năm; tỷ lệ đô thị hóa còn thấp hơn mức trung bình vùng và cả nước; chất lượng tăng trưởng thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; năng suất lao động thấp; năng lực cạnh tranh của tỉnh thấp và chưa được cải thiện nhiều; hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số, nhất là hạ tầng giao thông, công nghiệp, khu logistics, khu du lịch,… chưa được đầu tư đồng bộ, hiện đại…
Bên cạnh đó, Cà Mau còn hiện hữu những khó khăn rất đặc thù so với các địa phương khác, đó là nền đất yếu, sông ngòi, kênh rạch nhiều, dẫn đến phát sinh chi phí đầu tư, chủ yếu là chi phí gia cố nền móng. Ngoài ra, do thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu xây dựng như xi măng, cát, thép..., các công trình xây dựng trên địa bàn Tỉnh thường phải mua nguồn vật liệu ngoài địa phương, phát sinh chi phí vận chuyển đến chân công trình rất cao.
"Tại Cà Mau, thiếu hụt trầm trọng nước ngọt đang là một trong những khó khăn lớn nhất mà Tỉnh phải đối mặt. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu dẫn đến sạt lở đất nghiêm trọng, toàn bộ 254 km bờ biển đều đã sạt lở hết, đặc biệt là bờ biển phía Đông, có những chỗ sạt lở đến 2 m do chưa có đê kè… Chứng kiến hàng ngày, hàng giờ, chúng tôi vô cùng xót ruột, quốc gia mất đất, mất rừng, người dân mất sinh kế", Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải chia sẻ.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung |
Dự thảo Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nội dung thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới và định hướng các giá trị mới cho Tỉnh. Theo đó, Quy hoạch Tỉnh xác định mục tiêu phát triển đến năm 2030, Cà Mau phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, gắn với tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; xây dựng Cà Mau trở thành địa phương mạnh về biển, phát triển đột phá các ngành kinh tế biển, nhất là kinh tế thủy sản, du lịch, năng lượng tái tạo, hàng hải...; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Định hướng đến năm 2050, Cà Mau là tỉnh phát triển, xã hội văn minh, hiện đại, kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu. Kinh tế Cà Mau gia phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số có năng đến suất lao động cao gắn với phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp mang bản sắc của con người Cà Mau. Môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ, bảo tồn.
Quy hoạch tỉnh Cà Mau xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển: (1) Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với khai thác hiệu quả Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn. (2) Đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông (đường cao tốc, đường ven biển, cảng biển, cảng hàng không), hạ tầng đô thị, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng du lịch. (3) Hình thành và phát triển 2 hành lang kinh tế theo hướng Bắc - Nam (TP. Cà Mau - Cái Nước - Năm Căn - Đất Mũi) và hướng Đông - Tây (Tân Thuận - Sông Đốc) trên cơ sở kết nối đường cao tốc, đường ven biển, cảng hàng không, cảng biển và 5 cực tăng trưởng (TP. Cà Mau, Năm Căn, Sông Đốc, Tân Thuận, Đất Mũi). (4) Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện; nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tại phiên họp sáng ngày 19/4/2023, các thành viên Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh Cà Mau đã bỏ phiếu thông qua Quy hoạch Tỉnh, với kết quả 100% thành viên Hội đồng nhất trí thông qua với điều kiện sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo kết luận của Hội đồng.
Cụ thể:
1. Về Dự thảo Báo cáo quy hoạch: Có 9/30 phiếu nhất trí thông qua, không yêu cầu bổ sung, điều chỉnh; 21/30 phiếu nhất trí thông qua với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung.
2. Về Báo cáo môi trường chiến lược quy hoạch: có 5/30 phiếu nhất trí thông qua, không yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung; 25/30 phiếu thông qua với điều kiện có bổ sung, điều chỉnh.
3. Về Báo cáo thẩm định Quy hoạch Tỉnh: có 1/30 phiếu nhất trí thông qua, không yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung; 29/30 phiếu thông qua với điều kiện có bổ sung, điều chỉnh.
Hệ thống đô thị định hướng đến năm 2030, Cà Mau có 29 đô thị (1 đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 5 đô thị loại IV, 4 đô thị loại V được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo tiêu chí đô thị loại IV, 17 đô thị loại V).
Tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, gồm: Khánh An, Hòa Trung, Sông Đốc; bổ sung thành lập mới Khu công nghiệp Khánh An mở rộng; Khu công nghiệp Tân Thuận và khu công nghiệp trong Khu kinh tế Năm Căn.
Bên cạnh đó, Tỉnh cũng tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau gắn với bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; đồng thời liên kết chặt chẽ với các khu, điểm du lịch khác trong vùng.
Về phương án phát triển kết cấu hạ tầng, trong giai đoạn 2021 - 2025 cơ bản hoàn thành đoạn tuyến cao tốc Hậu Giang - Cà Mau; nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau đạt cấp 4C tại vị trí hiện hữu; đầu tư nâng cấp cảng biển Cà Mau là cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (loại III) có bến chuyên dùng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) phục vụ trung tâm điện khí Cà Mau, gồm các khu bến: khu bến Năm Căn, khu bến Ông Đốc, bến cảng Hòn Khoai, bến cảng ngoài khơi Sông Đốc.
Về phát triển nguồn điện và lưới điện, ưu tiên phát triển hợp lý nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời,... tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, của quốc gia, tiến tới xuất khẩu điện sang các nước lân cận có nhu cầu nhập khẩu điện.
Dự thảo Quy hoạch Tỉnh cũng nhấn mạnh định hướng phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Giảm thiểu rủi ro thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu gây ra, nhất là xâm nhập mặn, sạt lở bờ biển trên địa bàn Tỉnh.