Ảnh minh họa |
Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng là 1 tỷ đồng; trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở là 300 triệu đồng.
Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ một số trường hợp). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh bất động sản; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh, vật liệu xây dựng là 1 năm. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng; phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở là 2 năm.
Nghị định quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính, mức xử phạt đối với người quyết định đầu tư, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình. Cụ thể, về vi phạm quy định về lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực tham gia hoạt động: Khảo sát xây dựng; lập quy hoạch xây dựng; lập dự án đầu tư xây dựng; thẩm tra dự án đầu tư xây dựng; quản lý dự án đầu tư xây dựng; thiết kế xây dựng; thẩm tra thiết kế xây dựng, dự toán; thi công xây dựng; giám sát thi công xây dựng; quản lý chi phí đầu tư xây dựng; định giá xây dựng; kiểm định xây dựng; thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.
Ngoài quy định nêu trên, chủ tư có sử dụng nhà thầu nước ngoài còn bị phạt tiền từ 70-80 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Để nhà thầu nước ngoài tham gia hoạt động xây dựng khi chưa được cấp giấy phép hoạt động xây dựng theo quy định; để nhà thầu nước ngoài không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc không sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam theo quy định; để nhà thầu nước ngoài sử dụng lao động là người nước ngoài thực hiện các công việc về xây dựng mà thị trường lao động Việt Nam đáp ứng được;...
Chậm bàn giao dự án phạt đến 50 triệu đồng
Nghị định quy định phạt tiền từ 40- 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thực hiện đầu tư phát triển khu đô thị không tuân theo kế hoạch hoặc chậm so với tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chậm bàn giao dự án theo tiến độ đã được phê duyệt.
Phạt tiền từ 50 - 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Để chủ đầu tư thứ cấp thực hiện đầu tư xây dựng không phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc tiến độ dự án đã được phê duyệt (nếu có); thay đổi chủ đầu tư cấp 1 mà chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản; điều chỉnh dự án mà chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận; không hoàn thành thủ tục để được công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công trình theo quy định đối với công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng.
Vi phạm quy định về hợp đồng xây dựng phạt đến 100 triệu đồng
Nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không có thỏa thuận liên danh đối với bên nhận thầu là liên danh nhà thầu; hợp đồng xây dựng không sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt theo quy định.
Phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Giá ký hợp đồng vượt giá trúng thầu hoặc kết quả đàm phán, thương thảo hợp đồng xây dựng (trừ khối lượng phát sinh ngoài gói thầu được người quyết định đầu tư cho phép); mức tạm ứng hợp đồng vượt quá tỷ lệ % quy định hoặc tạm ứng hợp đồng khi chưa có bảo lãnh tạm ứng theo quy định; quyết toán hoặc thanh lý hợp đồng xây dựng chậm quá thời hạn quy định đối với hợp đồng xây dựng sử dụng vốn nhà nước.
Nghị định có hiệu lực từ 15/1/2018