Xuất, nhập khẩu Trung Quốc đồng loạt sụt mạnh

Giá trị xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đồng loạt giảm mạnh trong tháng 9...
Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/CNBC.
Ảnh minh họa - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá trị xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đồng loạt giảm mạnh trong tháng 9, trong bối cảnh thương chiến giữa nước này với Mỹ căng thẳng.

Hãng tin Reuters dẫn số liệu do Hải quan Trung Quốc công bố sáng 14/10 cho thấy xuất khẩu tháng 9 tính bằng đồng USD giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu giảm 8,5%. Thặng dư thương mại tháng 9 của Trung Quốc đạt 39,65 tỷ USD.

Trước đó, các chuyên gia kinh tế được Reuters khảo sát dự báo xuất khẩu tháng 9 của Trung Quốc giảm 3% và nhập khẩu giảm 5,2%.

Trong tháng 8, xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ giảm 1% so với cùng kỳ 2018, đánh dấu cú giảm mạnh nhất kể từ tháng 6, do xuất khẩu sang Mỹ tụt dốc. Nhập khẩu tháng 8 của nước này cũng giảm 5,6%.

Nếu tính bằng đồng Nhân dân tệ, giá trị xuất khẩu tháng 9 của Trung Quốc giảm 0,7%, nhập khẩu giảm 6,2%.

Chuyên gia về kinh tế Trung Quốc Martin Lynge Rasmussen thuộc Capital Economics cho rằng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ phải mất một thời gian mới có thể hồi phục. "Thỏa thuận thương mại một phần đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc vào hôm thứ Sáu không mang lại sự cải thiện triển vọng đáng kể nào", vị chuyên gia viết trong một báo cáo.

"Xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục suy yếu trong những quý sắp tới", ông Rasmussen nhận định. "Nhập khẩu cũng yếu đi trong những tháng gần đây và đang suy giảm mạnh bất thường nếu so với sự giảm tốc của nền kinh tế. Bởi vậy, nhập khẩu có thể hồi phục trong ngắn hạn".

Dữ liệu kém khả quan về xuất, nhập khẩu của Trung Quốc củng cố kỳ vọng Chính phủ nước này sẽ triển khai thêm các biện pháp kích cầu để ngăn nền kinh tế trượt dốc, bất chấp việc Mỹ-Trung đạt thỏa thuận thương mại một phần.

Theo thỏa thuận đạt được hôm thứ Sáu, Mỹ sẽ hoãn kế hoạch áp thêm thuế quan 5% lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc dự kiến thực hiện vào ngày 15/10. Tuy nhiên, hai bên vẫn giữ thuế quan đã áp lên hàng hóa của nhau, và thỏa thuận đạt được mới chỉ là thỏa thuận miệng chứ chưa trở thành văn bản được ký kết.

Tháng 9 chứng kiến những bước leo thang mới trong thương chiến Mỹ-Trung. Trong đó, Washington áp thuế quan 15% lên hơn 125 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hôm 1/9 và Bắc Kinh trả đũa bằng cách áp thuế lên hàng hóa Mỹ.

"Những con số vừa được công bố cho thấy nhu cầu toàn cầu suy yếu trong tháng 9, dưới sức ép gia tăng từ việc Mỹ áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc trong tháng 9", một báo cáo của Capital Economics viết.

Trong hơn 1 năm qua, Trung Quốc đã tung nhiều biện pháp kích thích nền kinh tế, nhưng nhu cầu của nước này vẫn giữ ở mức yếu do tình trạng bấp bênh kinh tế gây sức ép lên niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, dẫn tới tình trạng ngại đầu tư và chi tiêu.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong tháng 9 là 25,88 tỷ USD, giảm so với mức 26,96 tỷ USD trong tháng 8.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tháng 9 giảm 10,7% so với cùng kỳ 2018 nếu tính bằng đồng USD, trong khi nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ giảm 26,4%.

Giới phân tích dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm từ mức thấp nhất gần 30 năm là 6,2% đạt được trong quý 2. Sự giảm tốc này có thể khiến Trung Quốc khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong cả năm 2019.

Một số chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể trượt về ngưỡng trên 5% vào năm 2020 do tác động của các nhân tố mang tính chu kỳ và cơ cấu.

Chuyên đề