Xuất khẩu của Nhật Bản giảm lần đầu tiên từ năm 2016

Xuất khẩu của Nhật Bản giảm trong tháng 9 vừa qua, do kim ngạch sang hai thị trường Mỹ và Trung Quốc cùng giảm...
Những container hàng hóa tại một bến cảng ở Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: Reuters.
Những container hàng hóa tại một bến cảng ở Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: Reuters.

Xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 9 vừa qua đã lần đầu tiên giảm kể từ năm 2016, do kim ngạch sang hai thị trường Mỹ và Trung Quốc cùng giảm. Diễn biến này được cho là sẽ gây sức ép giảm tăng trưởng kinh tế quý 3 của Nhật, đồng thời làm gia tăng mối lo về ảnh hưởng lan rộng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Ngoài thách thức về thương mại, Nhật Bản gần đây còn hứng chịu một loạt trận thiên tai gây gián đoạn hoạt động của các nhà máy.

"Kinh tế Nhật có lẽ chỉ tăng trưởng nhẹ trong quý 3 nhờ tiêu dùng và đầu tư cơ bản. Nhu cầu của thị trường bên ngoài có lẽ không đóng góp gì cho tăng trưởng", chuyên gia kinh tế trưởng Takeshi Minami thuộc Norinchukin Research Institute phát biểu với hãng tin Reuters. "Trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng lan rộng đối với thương mại toàn cầu, xuất khẩu của Nhật Bản sẽ khó mà tăng trưởng được".

Reuters dẫn số liệu do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 18/10 cho thấy xuất khẩu của Nhật giảm 1,2% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 1,9% mà giới phân tích dự báo trước đó. Trong tháng 8, xuất khẩu của Nhật tăng 6,6%.

Đây là lần đầu tiên xuất khẩu của Nhật giảm kể từ tháng 11/2016.

Xuất khẩu của Nhật sang Mỹ trong thời gian 1 năm tính đến hết tháng 9 giảm 0,2%. Xuất khẩu ôtô của Nhật sang Mỹ trong tháng 9 đạt 143.000 xe, giảm 7%.

Hôm thứ Ba tuần này, Văn phòng Thương mại Mỹ (USTR) nói với Quốc hội về việc cơ quan này sẽ bắt đầu đàm phán thương mại song phương với Nhật Bản. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí hai nước tiến hành đàm phán thương mại.

Nhật Bản vốn không muốn ký hiệp định tự do thương mại song phương (FTA) với Mỹ vì lo ngại phải mở cửa những lĩnh vực nhạy cảm như nông nghiệp, và thay vào đó muốn ký các thỏa thuận đa phương như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuy nhiên, ông Trump đã rút Mỹ khỏi CPTPP, đồng thời gây sức ép đòi Nhật phải đàm phán song phương.

Việc chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán thương mại song phương với Mỹ tạm thời giúp Nhật tránh được kịch bản bị Mỹ áp thuế nhập khẩu bổ sung 25% lên xe hơi.

Ông Trump đã nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng về khoản thâm hụt thương mại 69 tỷ USD của Mỹ với Nhật Bản, trong đó 2/3 đến từ xuất khẩu ô tô Nhật sang Mỹ. Ông muốn có một FTA với Nhật để giải quyết mất cân đối này.

Xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này, giảm 1,7% trong vòng 1 năm tính đến tháng 9, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong 7 tháng.

"Nhu cầu bên ngoài có thể đặt ra trở ngại cho kinh tế Nhật Bản", chuyên gia kinh tế cấp cao Koya Miyamae thuộc SMBC Nikko Securities phát biểu. "Trong thời gian tới, xuất khẩu có thể hồi phục, nhưng ảnh hưởng từ sự giảm tốc của các thị trường mới nổi và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn là điều đáng lo ngại".

Chuyên đề