Vòng 4 tái đàm phán NAFTA gặp khó khăn với yêu cầu của Mỹ

Vòng bốn tái đàm phán về Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã gặp phải những khó khăn khi ngày 13/10, phía Mỹ chính thức đưa ra yêu sách về nâng tỷ lệ nội địa hóa khu vực đối với ngành công nghiệp ôtô.
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland (giữa), Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo Villarreal (trái) và Đại diện thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer tại vòng đàm phán NAFTA ở Ottawa, Ontario (Canada) ngày 27/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland (giữa), Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo Villarreal (trái) và Đại diện thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer tại vòng đàm phán NAFTA ở Ottawa, Ontario (Canada) ngày 27/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tại cuộc đàm phán diễn ra tại thủ đô Washington của Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đề nghị nâng tỷ lệ nội địa hóa khu vực đối với ngành công nghiệp ôtô từ hơn 62% hiện nay lên 85%, và trong đó 50% là tỷ lệ nội địa Mỹ. 

Tăng hàm lượng tỷ lệ khu vực, cùng với chu kỳ năm năm xem xét lại NAFTA và xóa bỏ Chương 19 về giải quyết tranh chấp bởi phá giá và trợ giá, hạn ngạch, được đánh giá là những đòi hỏi mang tính đe dọa cao của Mỹ, có thể dẫn tới sự đổ vỡ của NAFTA. 

Ngoài ra, Washington muốn hạn chế khả năng Mexico và Canada có được hợp đồng mua sắm công ở Mỹ, ngược lại, các công ty Mỹ sẽ được tiếp cận nhiều hơn các dự án của chính phủ Mexico và Canada. Những đề xuất này không phải điều Canada hay Mexico có thể chấp nhận. 

Phát biểu tại Đại sứ quán Mexico ở Washington sau cuộc đàm phán, Thứ trưởng Kinh tế Mexico Juan Carlos Baker cho biết phía Mexico sẽ xem xét tất cả các đề nghị này. 

Từ Mexico, Bộ trưởng Tài chính và Tín dụng công Jose Antonio Meabe cho biết nước này đang xác định các biện pháp thuế quan và các thị trường thay thế trong trường hợp đàm phán nâng cấp NAFTA không thành công. 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray cho biết nước này không chấp nhận một nền "thương mại hạn chế và bị kiểm soát," đồng thời nhấn mạnh nếu cần thiết sẽ ra khỏi bàn đàm phán, thậm chí là rút khỏi hiệp định này. 

Cùng ngày, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, đang ở thăm Mexico, cho rằng NAFTA phiên bản cập nhật cần bảo vệ quyền lợi của người lao động và tầng lớp trung lưu. 

Phát biểu trước Thượng viện Mexico, ông Trudeau khẳng định bảo vệ người lao động và đưa ra mức lương tốt là "chìa khóa" để NAFTA sửa đổi nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Nhà lãnh đạo Canada cũng cho rằng thỏa thuận này cần thúc đẩy các quyền bình đẳng cho phụ nữ.

Canada hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Mexico. Kim ngạch trao đổi thương mại song phương năm ngoái đạt trên 50 tỷ USD. Hiện có hơn 96.000 người Mexico sinh sống tại Canada. 

Các nhà đàm phán của Mỹ, Canada và Mexico đang tiến hành vòng đàm phán thứ tư về điều chỉnh NAFTA tại Mỹ. Vòng đàm phán lần này được khởi động từ ngày 11/10, dự kiến kéo dài tới ngày 17/10. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng NAFTA là một thảm họa đối với Mỹ, là hiệp định thương mại tồi tệ nhất trong lịch sử, đồng thời nhiều lần tuyên bố muốn rút khỏi hiệp định này. Ông Donald Trump cho rằng NAFTA đã làm gia tăng nhập siêu thương mại của Mỹ, ảnh hưởng đến việc làm của nước này, chuyển dịch hàng triệu vị trí việc làm trong ngành sản xuất sang Mexico nơi có giá nhân công thấp hơn. 

NAFTA là hiệp định thương mại giữa Mexico, Mỹ và Canada, có hiệu lực từ ngày 1/1/1994. Theo thống kê, trao đổi thương mại giữa ba quốc gia Bắc Mỹ đạt trên 1.300 tỷ USD vào năm 2016./. 

Chuyên đề