Vốn FDI Trung Quốc vào Bắc Mỹ và châu Âu sụt gần 73% trong 2018

FDI từ Trung Quốc vào hai thị trường Bắc Mỹ và châu Âu giảm 73%, xuống mức thấp nhất 6 năm...
Trung Quốc đã có nhiều biện pháp siết dòng vốn đầu tư ra nước ngoài trong 2018 - Ảnh: Reuters.
Trung Quốc đã có nhiều biện pháp siết dòng vốn đầu tư ra nước ngoài trong 2018 - Ảnh: Reuters.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào hai thị trường Bắc Mỹ và châu Âu đã giảm 73%, xuống mức thấp nhất 6 năm trong 2018, trong bối cảnh Washington thắt chặt giám sát đối với các thương vụ và Bắc Kinh siết kiểm soát đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Hãng tin Reuters dẫn số liệu từ công ty luật Baker & McKenzie cho biết vốn FDI của Trung Quốc vào Mỹ sụt 83% trong 2018, nhưng vốn FDI Trung Quốc vào Canada tăng 80%. Tại châu Âu, dòng vốn FDI Trung Quốc chảy vào toàn khu vực giảm xuống, nhưng trên thực tế lại tăng ở một số quốc gia như Đức, Pháp và Tây Ban Nha.

Sự sụt giảm vốn FDI của Trung Quốc nói trên cũng phản ánh ảnh hưởng của chiến tranh thương mại và căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cả năm, lượng vốn FDI Trung Quốc rót vào Bắc Mỹ và châu Âu đạt 30 tỷ USD, từ mức 111 tỷ USD trong năm 2017, báo cáo do Baker McKenzie phối hợp với Rhodium Group thực hiện cho thấy.

Cho dù không tính đến thương vụ khổng lồ trong đó ChemChina thâu tóm Syngenta với giá 43 tỷ USD trong 2017, thì mức giảm vốn FDI của Trung Quốc vào Bắc Mỹ và châu Âu trong 2018 vẫn giảm 40% so với 2017.

Sự giám sát tăng cường đã khiến 14 thỏa thuận đầu tư của Trung Quốc vào Bắc Mỹ, với tổng trị giá 4 tỷ USD, bị hủy trong 2018. Tại châu Âu, số thương vụ đầu tư của Trung Quốc bị hủy trong cả năm là 7, với tổng trị giá 1,5 tỷ USD.

"Một số thỏa thuận đã được hoàn tất, bất chấp các quy chế giám sát mới, căng thẳng thương mại, và các biện pháp kiểm soát đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc", ông Michael DeFranc, trưởng bộ phận M&A toàn cầu của Baker McKenzie, nhận định.

"Tuy nhiên, các bên trong một thương vụ tiềm năng cần có sự thẩm tra kỹ lưỡng và được tư vấn sâu về các quy chế giám sát để đánh giá xem thương vụ có khả thi hay không".

Chuyên đề