Virus corona đáng sợ hơn thương chiến Mỹ - Trung

Thương chiến với Mỹ thì vẫn làm ra tiền nhưng trong những ngày đình trệ vì virus corona, các nhà máy chỉ tốn tiền chứ không kiếm ra đồng nào.
 
Giờ ăn trong căn tin của một nhà máyYên Đài, Sơn Đông,Trung Quốc hôm 10/2.Ảnh: AP
Giờ ăn trong căn tin của một nhà máyYên Đài, Sơn Đông,Trung Quốc hôm 10/2.Ảnh: AP

Janey Zhang, chủ hãng ô Xingbao Umbrella ở Shangyu (Chiết Giang), dành những ngày qua để xem tin tức về dịch viêm phổi và trả lời những cuộc gọi của công nhân đang cạn dần tiền bạc rằng bao giờ họ có thể đi làm trở lại.

"Tôi không biết", bà Zhang nói về ngày mở cửa lại nhà máy với 200 công nhân của mình. "Chúng tôi đang chờ hướng dẫn của chính phủ. Nếu chỉ là tôi, tôi có thể thắt lưng buộc bụng trong vài tháng. Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài, nền kinh tế Trung Quốc sẽ suy sụp. Điều đó sẽ thật kinh khủng", bà nhận định.

Trên khắp vùng trung tâm sản xuất ở phía đông Trung Quốc, câu chuyện cũng tương tự. Hàng ngàn doanh nghiệp đang ở trong tình trạng lấp lửng, chờ đợi thông tin từ chính quyền địa phương về thời điểm có thể hoạt động lại.

Ngay cả khi có thông tin rõ ràng, họ cũng mất khá lâu để huy động đủ lao động vì nhiều người đã về nhà vào dịp Tết Nguyên đán và đang bị mắc kẹt ở đó vì hạn chế đi lại. Hay như, các đơn hàng đã hoàn thành dù sao cũng sẽ chồng chất, vì các công ty hậu cần cũng không hoạt động.

Những nỗ lực của Trung Quốc để ngăn chặn Covid-19 đang lan xa khỏi tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn của dịch bệnh. Sự gián đoạn đã có quy mô lên toàn quốc. Vào lúc cao điểm tuần trước, các tỉnh chiếm gần 69% GDP của Trung Quốc đã đóng cửa kinh doanh, theo tính toán của Bloomberg.

Với quy mô 4,6 nghìn tỷ nhân dân tệ (660 tỷ USD) trong năm 2019, nền kinh tế Hồ Bắc lớn hơn Ba Lan hoặc Thụy Điển và chiếm 4,6% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc. Nhưng đây vẫn không phải là một tỉnh mạnh về xuất khẩu.

Chính các nhà máy dọc bờ biển phía đông Trung Quốc mới gắn chặt vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì thế việc đóng cửa nhà máy ở đó có thể phá vỡ các dây chuyền lắp ráp ở Hàn Quốc và Ấn Độ.

"Chúng tôi đã bỏ lỡ mùa bán hàng cao điểm", David Ni, CEO Công ty Xuất Nhập khẩu Jiangsu Siborui tại Nam Kinh nói. Công ty này mua mâm bánh xe hơi hợp kim nhôm từ các nhà sản xuất nội địa và xuất khẩu sang Mỹ.

Ông Ni nói rằng, không ai trong số các nhà cung cấp đã quay trở lại làm việc, và cũng không rõ khi nào họ sẽ hoạt động lại. "Có rất ít điều chủ sở hữu nhà máy có thể làm ngoại trừ việc chờ đợi. Dịch bệnh có thể trì hoãn sản xuất trong ít nhất hai tháng. Hầu hết các nhà máy trong năm nay sẽ không thể kiếm được tiền", ông nói.

Đối với các nhà máy sản xuất hàng hóa cấp thấp như đồ nội thất và điện thoại giá rẻ ở Trung Quốc, dịch viêm phổi là mối đe dọa mới nhất trong loạt thách thức thời gian qua. Lợi nhuận của họ vốn đã khá mỏng vì chi phí nhân công và vật liệu tăng. Các doanh nghiệp này còn phải chịu thuế quan mà chính quyền Trump đánh vào hàng xuất khẩu trị giá 360 tỷ USD hàng Trung Quốc sang Mỹ.

Đối với những người khác, sự bùng phát của Covid-19 là mối đe dọa nghiêm trọng hơn cả. "Tác động của dịch bệnh thậm chí còn tồi tệ hơn cuộc chiến thương mại", ông Zhou Xinqi, chủ của Cixi Jinshengda Mang nói. Công ty kiếm được 60% doanh thu 100 triệu nhân dân tệ hàng năm từ nước ngoài.

"Chiến tranh thương mại chỉ làm giảm biên lợi nhuận của chúng tôi, nhưng ít nhất chúng tôi vẫn kiếm được tiền", ông Zhou nói. "Bây giờ, chúng tôi không kiếm được tiền. Chúng tôi đang mất hơn một triệu nhân dân tệ", ông cho biết thêm.

Khoảng 90% trong số 300 nhân viên tại Cixi Jinshengda đến từ các tỉnh khác. Zhou đã nói với họ rằng đừng quay lại thành phố cho đến khi chính phủ thông báo ngày hoạt động lại. Ông dự đoán sớm nhất là 25/2 mới mở cửa được nhà máy. Bất cứ ai quay lại thành phố sớm sẽ phải mất phí khách sạn để tự cách ly.

Trong một cuộc khảo sát với 995 công ty vừa và nhỏ của các giáo sư đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh, 85% nói sẽ không thể duy trì trong hơn ba tháng với điều kiện hiện tại. 30% dự kiến doanh thu năm nay sẽ giảm hơn một nửa vì Covid-19.

"Chúng tôi tiêu tiền mỗi ngày nhưng không làm ra được gì", Sun Qiuliang, Giám đốc kinh doanh của công ty gia đình Guangdong Chaoan Liyuan Flashlight Works tại Triều Châu, cho biết.

Ông nói rằng chính quyền địa phương đã ra lệnh không được hoạt động trước ngày 21/2. "Những người làm việc sẽ bị bắt giữ", Qiuliang nói. "Tôi không đùa. Chúng tôi chỉ cần nghe theo chính phủ", ông lưu ý.

Yi Chuanfa, Phó giám đốc bán hàng của Foshan Andun Sanitary Ware gần Quảng Châu đã lên kế hoạch khai trương vào ngày 10/2. Bây giờ, ông không thể mở cửa trở lại trước ngày 20/2. Việc chậm trễ 10 ngày tiêu tốn khoảng 300.000 nhân dân tệ tiền lương, tiền thuê nhà và phí tiện ích.

Tuy nhiên, một số nơi cũng đang trở lại làm việc. Tại Thượng Hải, khoảng 70% các nhà sản xuất đã trở lại làm việc, theo thông tin khảo sát từ chính quyền thành phố hôm 10/2. Cuộc khảo sát cho thấy hơn 80% các nhà cung cấp dịch vụ thông tin và phần mềm Thượng Hải đã hoạt động trở lại và 70% nhân viên của họ đang làm việc tại nhà.

Một số chính quyền địa phương cũng đang cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp. Nhà chức trách ở Nghĩa Ô đang cho các thương nhân miễn tiền thuê mặt bằng trong một hoặc hai tháng, tùy vào độ nghiêm trọng của tình hình. Yu Guoying, chủ của Bolus Resin Craft xác nhận chính sách này.

Cô cũng cho biết, nhiều khách hàng của hiểu và chấp nhận hoãn giao hàng đến tháng 3 và tháng 4. "Điều duy nhất chúng tôi có thể làm là ở nhà", Yu nói. "Gấp gáp kiếm tiền để làm gì nếu chúng ta không an toàn", cô bình luận thêm.

Bloomberg Economics ước tính, nếu dịch bệnh được ngăn chặn thành công, tác động đến nền kinh tế Trung Quốc sẽ nghiêm trọng nhưng chỉ trong thời gian ngắn, với tăng trưởng chậm lại ở mức 4,5% trong quý đầu tiên. Sau đó, nền kinh tế sẽ phục hồi và sau đó ổn định trong nửa sau.

Nhờ vậy, tăng trưởng cả năm 2020 có thể đạt 5,7%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước khi có dịch của Bloomberg Economics và giảm từ mức 6,1% vào năm 2019. Tuy nhiên, nếu mất nhiều thời gian hơn để kiểm soát Covid-19, thì tăng trưởng sẽ giảm tốc nhiều hơn.

Cục dự trữ liên bang Mỹ cảnh báo rằng, tình hình khó khăn đáng kể có thể lan sang thị trường toàn cầu và Mỹ, điều không mấy ngạc nhiên bởi Trung Quốc đóng góp khoảng 17% sản lượng kinh tế thế giới.

Chuyên đề