Venezuela xoay xở trong khủng hoảng

Lần đầu tiên sau 20 năm, Venezuela phải nâng giá nhiên liệu và giảm giá mạnh đồng bolivar để đối phó với khủng hoảng kinh tế mà quốc gia Nam Mỹ đang gánh chịu.
Người dân Venezuela xếp hàng mua xăng.
Người dân Venezuela xếp hàng mua xăng.

Cuối tuần qua, mức giá xăng dầu được chính phủ Venezuela trợ giá bấy lâu sẽ tăng vọt kỷ lục. Tùy theo từng loại xăng dầu mức giá bán ra sẽ là 1-6 bolivar (1 bolivar tương đương 0,16USD) thay cho giá 0,097-0,07 bolivar trước đây cho mỗi lít nhiên liệu. Hay nói cách khác, mức tăng tối thiểu 1.400% và tối đa 6.000% tùy theo từng loại nhiên liệu. Tuy nhiên, hãng tin Reuters cho rằng dù mức tăng kỷ lục, giá nhiên liệu ở Venezuela vẫn còn rất rẻ so với thị trường và thế giới. Như đổ đầy một bình xăng ô tô vẫn rẻ hơn một nửa giá một lon nước giải khát có gas. Theo Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, mức tăng mới này sẽ cho phép chính phủ duy trì nguồn ngân sách nhà nước, trong lúc giá dầu thế giới tụt giảm mạnh và sự sụp đổ của mô hình kinh tế nhà nước đã gây ra sự suy thoái nghiêm trọng, lạm phát phi mã và nạn khan hiếm hàng hóa triền miên. Với mức tăng giá này, chính phủ dự tính thu được 800 triệu USD/năm, đủ để bảo đảm chi phí sản xuất và giúp hỗ trợ tập đoàn dầu khí nhà nước PDVSA.

Giá nhiên liệu tăng trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Venezuela công bố thống kê kinh tế chính thức của quốc gia Nam Mỹ này năm 2015 thừa nhận GDP sụt giảm 5,7%, trong khi lạm phát lên tới mức 180,9%. Trong năm 2015, thành phần kinh tế tư nhân Venezuela có mức sụt giảm tới 8,4%, chủ yếu do thiếu hụt nguyên liệu sản xuất và ngoại tệ, trong khi khu vực kinh tế nhà nước có mức tăng trưởng nhẹ 1,1%. Xét theo cơ cấu ngành, lĩnh vực dầu khí - cột trụ kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này - sụt giảm 0,9%, trong khi các ngành phi dầu khí sụt giảm tới 5,6%. Giá cả các mặt hàng thực phẩm và đồ uống có mức tăng mạnh nhất lên tới 315%, tiếp đó là dịch vụ nhà hàng và khách sạn 294,1%; quần áo và giày dép 146,5% và dịch vụ y tế trên 100%. Ngân hàng Trung ương Venezuela cũng cho biết tài khoản vãng lai của Venezuela đã thâm hụt 18,15 tỷ USD trong năm 2015, trong lúc kim ngạch xuất khẩu sụt giảm 50%, chủ yếu do giá dầu thô lao dốc trên thị trường thế giới và giá trị nhập khẩu giảm 22,3%

Các chỉ số u ám này buộc Tổng thống Maduro ban hành 6 giải pháp khắc phục khủng hoảng kinh tế, trong đó đáng chú ý là việc tăng giá xăng dầu và phá giá đồng nội tệ. Nhận định về mức tăng mới này, nhiều người dân Venezuela tỏ ra đồng tình và cho là cần thiết. Tuy nhiên, số khác quan ngại việc tăng giá nhiên liệu có thể dẫn đến việc tăng giá nhiều khoản khác trong đời sống như vé xe công cộng, taxi, vận chuyển hàng hóa và lương thực…

Ngoài ra, Tổng thống Maduro cũng thông báo phá giá đồng bolivar đến 37%, mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, tùy theo từng kênh trao đổi ngoại tệ, tỷ giá hối đoái sẽ khác nhau. Đối với kênh chính thức nhà nước, 1USD đổi được 10 bolivar thay vì 6,3 như hiện nay. Còn ngoài thị trường, tỷ giá chính thức là 203 bolivar/USD. Hệ thống trao đổi ngoại tệ của Venezuela gồm 3 kênh trao đổi. Với việc hợp nhất thị trường trao đổi từ 3 thành 2 sẽ giúp chính phủ kiểm soát việc trao đổi ngoại tệ. Thị trường tài chính thế giới đánh giá cao nỗ lực cải cách của chính quyền Caracas, dù vẫn cho rằng chưa đủ để giúp đất nước Nam Mỹ này hoàn trả khoản nợ 10 tỷ USD trong vài tháng sắp tới.

Chuyên đề