Từ bỏ học phổ thông thành "vua lẩu" Trung Quốc

Cứ 3 ngày, chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao lại mở một địa điểm mới...
Ông Zhang Yong - đồng sáng lập, chủ tịch của Haidilao International Holding - Ảnh: Forbes.
Ông Zhang Yong - đồng sáng lập, chủ tịch của Haidilao International Holding - Ảnh: Forbes.

Ông trùm nhà hàng Zhang Yong sẽ lọt vào hàng ngũ người giàu nhất tại Trung Quốc khi chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao International Holding của ông chuẩn bị chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Hồng Kông. 

Theo ước tính của Forbes, người đồng sáng lập Haidilao International Holding sẽ sở hữu tài sản ít nhất 7 tỷ USD, có thể lên tới 8,3 tỷ USD, sau khi công ty IPO và trở thành ông chủ nhà hàng giàu nhất tại Trung Quốc. 

Haidilao, nổi tiếng với các món lẩu cay và dịch vụ khách hàng sáng tạo, đang nhắm tới vốn hóa khoảng 10 - 12 tỷ USD qua IPO. Công ty có trụ sở tại Bắc Kinh này định giá khoảng 14,8 - 17,8 Đôla Hồng Kông (1,89 - 2,27 USD) một cổ phiếu để huy động tới 963 triệu USD. Số vốn huy động được sẽ được dùng để mở rộng chuỗi nhà hàng và ứng dụng công nghệ mới để tự động hóa chuỗi cung ứng. 

Trong một cuộc phỏng vấn với Forbes, Zhang cho biết cứ 3 ngày Haidilao lại mở một nhà hàng mới. Lý giải về tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc của Haidilao, ông cho biết người nước ngoài luôn tò mò về văn hóa Trung Quốc. "Phần lớn lịch sử và văn hóa của chúng tôi được thể hiện qua ẩm thực", Zhang nói. 

Theo ông, "thà phát triển nhanh chóng và có mặt khắp nơi còn hơn chỉ đứng trên một đỉnh cao duy nhất". Đến nay, Zhang đã có 360 nhà hàng và đang hướng đến con số 400 vào cuối năm nay, với khoảng 20% ở nước ngoài. 

Chuỗi nhà hàng này hiện có mặt tại các thành phố biển tại Mỹ, Tokyo (Nhật), Seoul (Hàn Quốc) và Singapore. Haidilao đang nhắm tới các thị trường mới - nơi có nhiều người Trung Quốc sinh sống, có thể gồm London (Anh), Australia, Canada, Malaysia, Thái Lan và một số nước khác ở Đông Nam Á. Công ty này cho biết đang phát triển một nền tảng trí tuệ nhân tạo với Alibaba Cloud để khảo sát và gợi ý các địa điểm mở nhà hàng mới, đồng thời tiến hành phân tích hiệu quả hoạt động của chuỗi nhà hàng. 

Một yếu tố quan trọng khi gia nhập các thị trường này là Haidilao phải bản địa hóa thực đơn và sản phẩm cốt lõi của mình - nước dùng. Chuỗi nhà hàng này có nguồn cốt lẩu độc quyền từ Yihai International - công ty cũng thuộc quyền kiểm soát của Zhang. Mục tiêu trong dài hạn của công ty là hoàn toàn tùy chọn nước lẩu dựa trên khẩu vị cá nhân của khách hàng - thông tin được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu và truy xuất mỗi khi khách hàng trở lại nhà hàng. 

Là nhà hàng mà không phụ thuộc vào các đầu bếp dày kinh nghiệm để chế biến món ăn, Haidilao được biết đến với những dịch vụ đặc biệt và giải trí sáng tạo để thu hút khách hàng. Khi chờ đợi, khách hàng được cung cấp dịch vụ làm móng miễn phí, bốt chụp ảnh có thể in hình tại chỗ, mỳ tươi làm thủ công ngay tại bàn, sạc điện thoại hay thậm chí cả cũi dành riêng cho trẻ nhỏ. 

Zhang mở nhà hàng đầu tiên vào năm 1994, khi đó ông đang làm việc tại một nhà máy tại quê nhà Jianyang, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Chưa học hết phổ thông, doanh nhân này thừa nhận ông thậm chí không biết cách chuẩn bị một nồi lẩu Tứ Xuyên truyền thống như thế nào khi mới bắt đầu. 

Hiện nay, ông là chủ tịch của chuỗi nhà hàng lẩu hàng đầu Trung Quốc. Haidilao mang về doanh thu 10,6 tỷ Nhân dân tệ (1,6 tỷ USD) trong năm 2017, tăng 36% so với năm trước đó. Trong khi đó, lợi nhuận ròng tăng 22% lên 1,2 tỷ Nhân dân tệ (174,7 triệu USD). 

Zhang cho biết một trong những nhân tố làm nên sự thành công của Haidilao là chính sách trao quyền cho các quản lý nhà hàng. Công ty này thưởng cho các quản lý 3% lợi nhuận của nhà hàng để tạo động lực cho họ. Haidilao cũng nhận được quan tâm từ các nhà đầu tư tổ chức. Chuỗi nhà hàng này đã nhận được 375 triệu USD vốn đầu tư từ  Hillhouse Capital, Greenwoods Asset Management, Morgan Stanley, Snow Lake, và Ward Ferry. Cổ phiếu Haidilao sẽ bắt đầu giao dịch từ ngày 26/9 tới. 

Chuyên đề