Trung Quốc tung loạt biện pháp hỗ trợ tăng trưởng

Nhờ đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc đạt mức cao nhất 1 tháng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba...
Lập trường chính sách của Trung Quốc đang chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng - Ảnh: EPA/FT.
Lập trường chính sách của Trung Quốc đang chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng - Ảnh: EPA/FT.

Chính phủ Trung Quốc vừa công bố loạt biện pháp gồm cắt giảm thuế và đầu tư cơ sở hạ tầng trong một số lĩnh vực nhằm hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế, với lý do "tình hình bất ổn bên ngoài".

Đây là sự đẩy mạnh nỗ lực của Trung Quốc trong việc ứng phó với nền kinh tế giảm tốc dưới sức ép của nhu cầu nội địa chững lại và căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang.

Theo tờ Financial Times, loạt biện pháp trên được công bố vào cuối ngày thứ Hai, sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cùng ngày bơm 74 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng thông qua chương trình cho vay trung hạn. Đây là đợt bơm tiền trong một ngày lớn nhất từ trước đến nay của PBoC theo chương trình này.

Trước đó, PBoC đã có 3 lần cắt giảm dự trữ bắt buộc từ đầu năm nhằm tăng cường thanh khoản trong hệ thống tài chính.

Loạt biện pháp tài khóa mới nhất được xem là một bằng chứng cho thấy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang lo ngại về khả năng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ khiến nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới giảm tốc mạnh hơn.

Trong tuyên bố về loạt biện pháp hỗ trợ tăng trưởng này, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh "tình hình bất ổn bên ngoài" - được xem là ngầm ám chỉ xung đột thương mại với Mỹ. Tuyên bố cũng tìm cách trấn an những lo ngại của thị trường cho rằng Bắc Kinh "thụt lùi" trong cải cách cơ cấu và quay trở lại với cách làm cũ là kích cầu bằng cách mạnh tay mở rộng hoạt động tín dụng.

"Chúng ta cần kiên quyết không thực hiện sự kích cầu kiểu ‘dội nước’ khi ứng phó với những bất ổn từ môi trường bên ngoài, đồng thời phải đảm bảo các hoạt động kinh tế trong phạm vi phù hợp", Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu trước Hội đồng Nhà nước, tức nội các Trung Quốc.

Cuộc họp nội các cũng cam kết đảm bảo tăng trưởng tín dụng phù hợp. Trước đó, dữ liệu của tháng 6 cho thấy cung tiền và lượng vốn tín dụng cấp mới tăng với tốc độ thấp kỷ lục tháng thứ tư liên tiếp.

Trong quý 2/2018, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc tăng chậm nhất kể từ năm 2016. Giới chuyên gia dự báo sự giảm tốc sẽ tiếp tục trong thời gian còn lại của năm nay. Thực trạng này buộc các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc dịch trọng tâm khỏi chiến dịch giảm nợ, chuyển sang kích thích tăng trưởng.

Trong loạt biện pháp vừa công bố, Trung Quốc giảm thuế 6,5 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 953 triệu USD, cho các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đồng thời đẩy mạnh phát hành trái phiếu đặc biệt để huy động vốn cho các dự án hạ tầng của chính quyền địa phương. Các chính quyền địa phương được yêu cầu giải ngân mạnh nguồn vốn ngân sách dư thừa và vay thêm vốn ngoài ngân sách từ các tổ chức tài chính để triển khai các dự án.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, chứng khoán Trung Quốc đạt mức cao nhất 1 tháng, với chỉ số Shanghai Composite Index tăng 1,62%.

"Chúng tôi xem tuyên bố của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc là sự xác nhận rằng lập trường chính sách đã chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng", ông Zhiwei Zhang, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc thuộc Deutsche Bank tại Hồng Kông, nhận định.

Chuyên đề