Trung Quốc đang có nguy cơ khủng hoảng ngân hàng

(BĐT) - Trung Quốc, Canada và Hong Kong là 3 nền kinh tế có nguy cơ khủng hoảng ngân hàng cao nhất, theo các chỉ số cảnh báo sớm của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Canada – nền kinh tế tăng trưởng trong năm ngoái với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2011 – đã cho thấy những dấu hiệu của khủng hoảng ngân hàng như thẻ tín dụng hộ gia đình gia tăng đáng kể và tổng nợ trong nền kinh tế ở mức cao. Theo nghiên cứu của BIS, vay mượn gia đình cũng được xem là một trong những yếu tố tạo nên nguy cơ khủng hoảng ngân hàng đối với Trung Quốc và Hong Kong.

Nghiên cứu cũng đưa ra một số kết quả đáng kinh ngạc. Ví dụ, Italy không bị coi là có nguy cơ khủng hoảng, bất chấp nền kinh tế đang vật lộn với sự tăng trưởng chậm chạp và các ngân hàng bị mắc kẹt với các khoản nợ xấu.

Mặc dù Trung Quốc nằm trong một trong những nền kinh tế có nguy cơ khủng hoảng ngân hàng cao nhất, BIS – được biết đến như ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương – đã chỉ ra “khoảng cách” nợ với GDP của quốc gia này đã được cải thiện. Điều này có thể gợi ý rằng chính phủ Trung Quốc đang có những tiến bộ trong nỗ lực cắt giảm rủi ro tài chính.

“Khoảng cách” là sự chênh lệch giữa tỷ lệ nợ với GDP và xu hướng dài hạn của nó. Con số này gia tăng có thể cho thấy tăng trưởng tín dụng quá mức và sự sụp đổ tài chính của thể sẽ xuất hiện. Tại Trung Quốc, khoảng cách này đã giảm xuống còn 16,7% trong quý III/2017, so với mức đỉnh 28,9% hồi tháng 3/2016 và là mức thấp nhất kể từ năm 2012.

Theo Ding Shuang, trưởng nhóm kinh tế tại Standard Chartered Hong Kong, khoảng cách được thu gọn tại Trung Quốc “cho thấy hiệu quả của trung gian tài chính đang được cải thiện”. “Điều này làm chậm lại tốc độ gia tăng tỷ lệ nợ trên GDP, tạo điều kiện cho tổng nợ trong nền kinh tế giảm”.

Trung Quốc đang nghiêm túc hơn đối với những mối đe dọa trong hệ thống tài chính nước này. Kể từ tháng 4 năm ngoái, các nhà quản lý tài chính Trung Quốc đã nhắm đến việc hạn chế tăng trưởng các sản phẩm quản lý tài sản và vay liên ngân hàng, với tập trung trọng tâm hơn vào nợ hộ gia đình.

Chuyên đề