Trung Quốc chịu trận vì đòn trừng phạt Triều Tiên

Các lệnh trừng phạt nhằm vào Chính phủ Triều Tiên, nhưng lại ảnh hưởng lên cuộc sống và công việc của dân thường hai nước.
Phố hải sản ở thành phố Hồn Xuân (Cát Lâm, Trung Quốc). Ảnh:Bloomberg
Phố hải sản ở thành phố Hồn Xuân (Cát Lâm, Trung Quốc). Ảnh:Bloomberg

Tại Hồn Xuân, thành phố thuộc Cát Lâm (Trung Quốc) với khoảng 230.000 dân gần biên giới Triều Tiên và Nga, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra tháng trước, sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua các lệnh trừng phạt cấm Triều Tiên xuất khẩu hải sản và nhiều hàng hóa khác. Hàng chục cửa hàng đã phải đóng cửa, khiến các hãng đóng gói, phân phối, lái xe và nhà hàng cũng ảnh hưởng theo.

“Rất nhiều người đang thất nghiệp”, Liu Guanghua (41 tuổi) - chủ một trong những doanh nghiệp vẫn còn mở cửa tại đây cho biết, “Các lệnh trừng phạt này nhằm vào Chính phủ Triều Tiên, nhưng lại ảnh hưởng lên dân thường Triều Tiên và Trung Quốc”.

Các thị trấn phía đông nam Trung Quốc vốn đang chật vật vì sự xuống dốc của ngành công nghiệp nặng, như luyện thép hay khai mỏ. Giờ họ lại trở thành nơi hứng chịu hậu quả từ các lệnh cô lập Triều Tiên. Rủi ro từ bất ổn xã hội do thiếu việc làm là một vấn đề nhạy cảm với Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình.

Đó cũng là lý do dù Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa gây chiến tranh thương mại nếu ông Tập không dùng quyền lực kinh tế để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, giới chức Bắc Kinh vẫn phải cân nhắc cái giá mà các lệnh trừng phạt này tác động lên kinh tế trong nước.

Công cuộc tìm kiếm cỗ máy tăng trưởng mới của tỉnh Cát Lâm và Liêu Ninh chưa có nhiều kết quả, sau khi Bắc Kinh bắt đầu giảm hỗ trợ cho doanh nghiệp nhà nước từ thập niên 90, để được gia nhập Tổ chức Kinh tế Thế giới (WTO) năm 2011. Bất chấp các hỗ trợ từ Chính phủ suốt thập kỷ qua, rất ít nhà máy mở ra để thay thế các xưởng đóng tàu và nhà máy hóa chất từng là cỗ máy tăng trưởng tại đây.

Giới chức Liêu Ninh từng thừa nhận làm giả số liệu kinh tế trong nhiều năm. Năm ngoái, GDP tỉnh này giảm 2,5%. Việc này góp phần kéo tăng trưởng của Trung Quốc xuống 6,7% - chậm nhất trong 25 năm qua.

Tại một khu công nghiệp ở Thẩm Dương, rất nhiều nhà máy đã đóng cửa, các công nhân thì tràn ra ngồi vệ đường, cầm biển tìm việc làm.

“Thất thoát trong giao dịch biên giới có thể gây xáo trộn kế hoạch chiến lược của Trung Quốc nhằm hồi sinh các ngành công nghiệp tại vùng đông nam. Đây là kế hoạch mà họ không cho phép bị phá rối bởi các vấn đề bên ngoài. Duy trì sự ổn định tại vùng đông nam rất quan trọng với chính phủ Trung Quốc”, Lyu Chao - nhà nghiên cứu các vấn đề biên giới tại Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh cho biết.

Dù Bắc Kinh đã gia nhập nỗ lực của cộng đồng quốc tế, phản đối các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa của Triều Tiên, họ thực sự không muốn có chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, hoặc chính quyền Kim Jong Un sụp đổ. Một trọng hai sự kiện này xảy ra đều sẽ khiến làn sóng dân tỵ nạn tràn sang Trung Quốc và quân đội Mỹ có thể tiến sát biên giới, gây bất ổn xã hội và càng làm suy giảm thương mại.

Theo số liệu của Observatory of Economic Complexity - dự án thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts, Trung Quốc cung cấp khoảng 85% trong 3,47 tỷ USD hàng nhập khẩu của Triều Tiên năm 2015 và đóng góp tỷ lệ tương tự với 2,83 tỷ USD hàng xuất khẩu.

Tháng này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hua Chunying cũng cho nước này đã “hy sinh rất nhiều và phải trả quá quá đắt” để tuân thủ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.

Một tiểu thương ở Đan Đông - thành phố 2,4 triệu dân nằm ở biên giới Trung Triều cho biết hồi thập niên 90, ông buôn bán mọi thứ, từ vải dệt đến lốp xe giữa hai quốc gia, sau khi bị một nhà máy quốc doanh sa thải. “Giờ tôi lại phải ngồi không. Những thương lái như tôi đều mất tiền vì các lệnh trừng phạt”, Wang cho biết.

Rất nhiều bằng chứng cho thấy trước đây, giới chức các vùng biên giới vẫn duy trì sự cân bằng giữa tuân thủ yêu cầu từ trung ương với bảo vệ kinh tế địa phương, Zhao Tong - nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua cho biết.

Tuy nhiên, việc đó đang thay đổi: “Vì chính phủ giờ đã cương quyết hơn rất nhiều và chấp nhận hy sinh kinh tế trong nước, giới chức địa phương cũng phải làm theo”.

Người dân dọc biên giới thì không mấy lo ngại về việc ông Trump đe dọa dùng sức mạnh quân sự với Triều Tiên. “Chỗ này yên bình lắm”, Fang Hexiang (37 tuổi) - một người bán rượu tại Đan Đông cho biết, “Chúng tôi ở đây từ khi còn nhỏ. Đã có chiến tranh đâu”.

Piao Zhongzhe - chủ một nhà hàng Hàn Quốc tại Hunchun cũng tự tin ông Kim Jong Un sẽ không nhắm tên lửa vào Trung Quốc. “Họ chỉ làm thế với Mỹ thôi, không phải Trung Quốc đâu”, ông nhận xét.

Li cho biết dù nhiều hàng quán xung quanh đã đóng cửa, ông vẫn tiếp tục kinh doanh. Lần này, ông sẽ nhập hải sản từ Nga.

“Giới chức địa phương không làm gì được đâu”, Liu nói, “Lúc đầu, tôi cũng rất giận dữ, nhưng tức giận cũng chẳng để làm gì”.

Chuyên đề