Trump - Clinton: Cuộc chiến giữa suy thoái và việc làm

Sau khi đặt hai ứng viên Tổng thống Mỹ lên bàn cân, Oxford Economics cho rằng bà Clinton sẽ là lựa chọn tốt hơn cho nền kinh tế.
Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton có những chính sách kinh tế rất khác nhau. Ảnh:CBS
Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton có những chính sách kinh tế rất khác nhau. Ảnh:CBS

Nếu ông Donald Trump thực hiện tất cả chính sách của mình, Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Đến đầu năm 2021, nền kinh tế sẽ mất 1.000 tỷ USD và 4 triệu việc làm. Trong khi đó, nếu bà Hillary Clinton đắc cử, khoảng 200.000 việc làm mới sẽ được tạo ra, nhưng tăng trưởng kinh tế cũng sẽ khiêm tốn.

Cố vấn kinh tế cấp cao của ông Trump - Peter Navarro không hài lòng với nghiên cứu này và gọi đây là một sự "lố bịch". Ông cho rằng đây là một động thái chính trị, bỏ qua rất nhiều lợi ích khổng lồ về tăng trưởng trong kế hoạch kinh tế của tỷ phú.

Oxford thì cho biết nghiên cứu này không mang tính chính trị nào cả, rất khách quan và công bằng. Họ có cả một nhóm các nhà kinh tế học nghiên cứu vấn đề này.

Dưới đây là những tác động cụ thể của hai kế hoạch kinh tế trên lên Mỹ, theo nghiên cứu của Oxford Economics.

1. Thương mại

Donald Trump: Ông đe dọa đánh thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc và Mexico. Việc này có thể châm ngòi cho đòn trả đũa từ các nước này, làm bùng nổ một cuộc chiến thương mại. Các doanh nghiệp Mỹ bán hàng cho Trung Quốc và Mexico - đối tác thương mại lớn thứ nhì và thứ 3 của Mỹ sẽ chịu thiệt.

Navarro thì cho rằng Trung Quốc và Mexico sẽ không thể trả đũa bằng cách áp thuế nhập khẩu. Do cả 2 nước này xuất sang Mỹ nhiều hơn là nhập.

Hillary Clinton: Dù không ủng hộ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), lập trường thương mại của bà cũng khá tương đồng với chính sách hiện tại của chính quyền Tổng thống Barrack Obama. Vì thế, tác động của chúng lên nền kinh tế cũng sẽ không khác biệt nhiều.

2. Thuế

Donald Trump: Tuần trước, Trump cho biết ông sẽ giảm số bậc thuế từ 7 xuống 3. Oxford cho rằng giảm thuế có thể là lực đẩy ban đầu cho nền kinh tế. Nhưng kết cục sẽ khiến chi tiêu công cũng phải giảm theo.

Và nếu chi tiêu không giảm theo tốc độ giảm thuế, chính sách của ông Trump sẽ khiến nền kinh tế gặp khó, do nó sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách. Trong khi đó, các đề xuất khác của ông lại làm tăng chi, như cơ sở hạ tầng, hay xây tường tại biên giới với Mexico.

Navarro cho biết việc giảm thuế sẽ giúp kinh tế tăng trưởng, xoa dịu nhu cầu giảm chi tiêu công. Nó cũng sẽ giúp bổ sung hàng nghìn tỷ USD cho nền kinh tế trong 10 năm tới. Bên cạnh đó, việc xây tường ở biên giới sẽ do Mexico chi trả, chứ không phải người Mỹ.

Hillary Clinton: Các đề xuất nâng thuế của bà cũng sẽ kéo tụt tăng trưởng, nhưng có thể bù lại bằng các khoản chi cho đường sá, cầu cống và đường cao tốc.

Oxford cũng cho biết nếu bà Clinton thực hiện đề xuất lương tối thiểu liên bang 15 USD một giờ, tăng trưởng việc làm sẽ giảm sút. Họ ước tính nếu không có chính sách này, bà Clinton có thể tạo thêm 800.000 việc làm cho nền kinh tế. Còn nếu thực hiện, con số này sẽ chỉ là 200.000.

3. Người nhập cư

Donald Trump: Cam kết trục xuất khoảng 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp của ông sẽ khiến kinh tế Mỹ đi xuống. Oxford cũng ước tính Trump chỉ có thể trục xuất 600.000 người mỗi năm.

Nhưng dù vậy, việc này cũng sẽ khiến lực lượng lao động tại Mỹ co lại, làm giảm tiêu dùng - vốn đang là cỗ máy tăng trưởng của Mỹ.

Hillary Clinton: Kế hoạch của bà là vạch ra con đường giúp những người này hợp thức hóa quyền công dân, từ đó tăng lực lượng lao động. Các nhà kinh tế học cho biết người lao động hợp pháp sẽ làm việc năng suất hơn bất hợp pháp. Hiện tại, năng suất lao động tại Mỹ khá thấp và đang kéo tụt tăng trưởng. Vì thế, hợp pháp hóa quyền công dân cho những người này sẽ giúp kinh tế đi lên.

4. Sự tự tin của người dân

Donald Trump: Người Mỹ ghét sự không chắc chắn. Dù là quyết định mua một ngôi nhà, kinh doanh hay đầu tư tiền, họ đều muốn biết tình hình bao quát trước khi mở ví.

Oxford cho rằng Trump sẽ là tổng thống theo kiểu "thích thử nghiệm". Tức là ông sẽ thực hiện một chính sách, rồi đổi sang cái khác sau 6-12 tháng. Các doanh nghiệp sẽ chùn chân, việc đầu tư cũng giảm sút do không thể biết trước môi trường chính sách thế nào trong 6 tháng hoặc 12 tháng tới, nghiên cứu của Oxford cho biết.

Navarro thì khẳng định biết chính sách kinh tế của Trump rất rõ ràng: thuế thấp, ít quy định ràng buộc và chỉ đồng ý các hiệp định thương mại có lợi cho người Mỹ. Đề xuất của Trump về giảm thuế doanh nghiệp cũng sẽ làm tăng đầu tư, chứ không phải giảm.

Hillary Clinton: Bà là người đã quá quen mặt với giới chính trị gia. Người ta kỳ vọng bà sẽ tiếp nối hầu hết chính sách của ông Obama. Việc này sẽ giúp chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư dễ đoán hơn.  

Chuyên đề